KINH TẾ

Tỷ lệ người mới tham gia thương mại điện tử Việt Nam cao nhất Đông Nam Á

  • Tác giả : Khánh Phương
Nhà bán lẻ cần khai thác khách hàng một cách linh hoạt và hiệu quả với chiến lược “bán lẻ trực tuyến”sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc.

Theo ThS Nguyễn Thành Minh Chánh, Giảng viên Khoa Luật (Đại học Công nghiệp TP.HCM), các hoạt động mua sắm bên ngoài như siêu thị, cửa hàng hay chợ truyền thống được người tiêu dùng giảm tối thiểu. Thay vào đó là xu hướng tăng cường, tập trung hơn cho những chi tiêu có thể thực hiện tại nhà.

Theo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020 với mức tăng 18%, quy mô thị trường 11,8 tỉ USD. Thương mại điện tử ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số thống kê, số người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến đã tăng từ 77% trong năm 2019 lên 88% trong năm 2020.

Google, Temasek và Bain & Company cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025 là 29%, tương đương từ 14 tỷ USD lên 52 tỷ USD.

Trong bài báo cáo “Sự thống trị của thương mại điện tử và cơ hội cho thị trường bán lẻ Việt Nam sau Covid-19” - ThS Minh Chánh đưa ra nhiều ví dụ về bán lẻ trực tuyến.

Theo công bố kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2021 của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (MWG), doanh thu online chiếm khoảng 8% doanh thu MWG. Trong đó, doanh thu online riêng tháng 5 tăng 77% so với tháng 4 do nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng trong mùa dịch.

Hay như FPT Retail (FRT), doanh thu online năm 2020 của FRT đạt 5.195 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2019 và chiếm 35% tổng doanh số FRT.

Theo Sách trắng Thương mại Điện tử Việt Nam năm 2020, tỷ lệ người mua sắm trực tuyến mới trong tổng số người mua sắm trực tuyến của Việt Nam là cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, chiếm 41%, so với tỷ lệ trung bình của Đông Nam Á khoảng 36% và cao hơn Indonesia và Philipines cùng là 37%, Malaysia là 36%, Singapore và Thái Lan cùng là 30%.

Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển thương mại điện tử khá nhanh.

Theo ThS Minh Chánh, khách hàng luôn muốn các nhà bán lẻ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cho xu hướng mua sắm trực tuyến. Điều đó đòi hỏi các nhà bán lẻ thường xuyên cập nhật xu hướng tiêu dùng, đa dạng các mặt hàng liên quan và chuỗi cung ứng linh hoạt.

“Chẳng hạn, một nhà bán lẻ mặt hàng cà phê cần đa dạng thêm mặt hàng trà. Hay, người tiêu dùng hiện có xu hướng tìm những loại đồ uống cải thiện sức khoẻ như đồ uống trái cây, ngũ cốc,… nhà bán lẻ cần bổ sung một số mặt hàng này cho phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng,” ThS. Minh Chánh chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhà bán lẻ cần tích hợp đầy đủ nền tảng di động phổ biến như IOS, Android và tương tác với khách hàng trên các nền tảng này từ mua hàng và thanh toán trước - sau khi nhận hàng cũng như tiếp nhận phản ảnh và phản hồi các thông tin khách hàng và giải quyết các tranh chấp phát sinh.

Hiện nay, các nhà bán lẻ lớn Việt Nam đều đã xu hướng xây dựng nền tảng “giải quyết tranh chấp trực tuyến - ODR” trên website của mình để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Khánh Phương