Ngân hàng

Tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc nhóm cao trên thế giới

  • Tác giả : Minh Lâm
(khoahocdoisong.vn) - Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc đầu tiên với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên cương vị mới. Thủ tướng chỉ đạo ngành Ngân hàng rà soát lại toàn bộ các công việc trên cơ sở bám sát các chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và quy định pháp luật.

Tại buổi làm việc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Nguyễn Thị Hồng đã báo cáo Thủ tướng tình hình hoạt động ngân hàng theo những trụ cột quan trọng mà ngành đang tập trung, giải quyết.

Một trong những trụ cột quan trọng là điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tạo lập niềm tin thị trường.

Tín dụng là lĩnh vực mà Ngân hàng Nhà nước luôn đặt trọng tâm và điều hành với phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả, tập trung vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. 

Riêng đối với tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng các công cụ để kiểm soát rủi ro như giảm dần tỷ trọng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (hiện nay là 40%), áp dụng hệ số điều chỉnh rủi ro cao, giới hạn dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán so với vốn điều lệ… 

Đến nay, tốc độ tăng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản có xu hướng chậm lại, dư nợ tín dụng để đầu tư kinh doanh chứng khoán chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng chung. Tỷ trọng đầu tư của các tổ chức tín dụng (TCTD) vào trái phiếu doanh nghiệp cũng chiếm tỷ trọng nhỏ và trên thực tế được kiểm soát như đối với khoản cấp tín dụng.

Đáng chú ý, về những khó khăn trong hoạt động cấp tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng báo cáo thực tế tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã trên 140%, trong nhóm nước có tỷ lệ cao nhất theo đánh giá của quốc tế.

Theo Thống đốc, nếu để tỷ lệ này tiếp tục tăng cao và vốn vay trung dài hạn cũng dựa nhiều vào ngân hàng thì sẽ tạo áp lực lớn đối với việc cân đối vốn của hệ thống ngân hàng và cân đối vĩ mô.

Thực tiễn hoạt động ngân hàng thời gian qua cho thấy doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 90% số lượng doanh nghiệp của Việt Nam nhưng khả năng tiếp cận vốn hạn chế do năng lực tài chính, quản trị, phương án kinh doanh khả thi, quản trị dòng tiền còn hạn chế, có những doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn. Về phía Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các tổ chức tín dụng cắt giảm thủ tục để tăng khả năng tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp và người dân.

Minh Lâm