Chứng khoán

Tỷ giá USD ở ngưỡng 25.500, lãi suất tiền gửi phục hồi?

  • Tác giả : Minh An
Trong báo cáo chiến lược 2025 với chủ đề Vững bước tiến tới "kỷ nguyên vươn mình", Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ dao động trong khoảng 25.100 - 25.500 vào năm 2025.

Rủi ro tỷ giá trong ngắn hạn

Tỷ giá hối đoái đã trở thành tâm điểm kể từ tháng 3 năm 2024. Áp lực tỷ giá có lúc chạm đến đỉnh điểm vào tháng 5 khi chạm mức 25.470 VND/USD, đánh dấu mức mất giá khoảng 4,6% so với đầu năm, khi đối mặt với sức ép từ việc Fed duy trì lãi suất ở mức cao nhất trong vòng 23 năm đã giúp thúc đẩy đà tăng giá của USD.

Ngoài ra, hoạt động sản xuất tăng cao đã thúc đẩy nhu cầu tăng vọt về USD để thuận tiện cho nhập khẩu nguyên liệu. Hơn nữa, khoảng cách lãi suất khuyến khích các hoạt động đầu cơ như tích trữ ngoại tệ để tận dụng khoảng cách này.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Sau khi vật lộn với áp lực mất giá, VND đã dần phục hồi đáng kể từ giữa tháng 9, sau khi Fed cắt giảm lãi suất mạnh tay 50 điểm cơ bản, đánh dấu lần giảm đầu tiên trong 4 năm.

Tuy vậy, điều này diễn ra không lâu khi tỷ giá lại một lần nữa tăng nóng trở lại trong quý 4/2024. Về yếu tố nội tại, nhu cầu ngoại tệ tăng cao đến từ việc các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nhằm gia tăng sản xuất cho mùa cuối năm. Bên cạnh đó, nhu cầu mua USD của Kho bạc Nhà nước cũng tăng cao trong giai đoạn này do phải chi trả các nghĩa vụ nợ.

Cho đến tháng 11, áp lực tỷ giá vẫn căng thẳng do sự phục hồi mạnh mẽ của đồng USD sau chiến thắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Kể từ đầu năm, đồng VND đã mất giá khoảng 4,1% so với đồng USD, đẩy tỷ giá USD/VND lên mức 25.346 VND/USD vào cuối tháng 11.

Kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ dao động trong khoảng 25.100 - 25.500 vào năm 2025

Các kế hoạch nới lỏng tài khóa của chính quyền mới, kết hợp với các chính sách nhập cư chặt chẽ hơn, cùng với lãi suất cao của Mỹ so với các nền kinh tế khác và chủ nghĩa bảo hộ tương đối cao của Mỹ, dự kiến sẽ hỗ trợ cho việc gia tăng giá trị của đồng USD trong năm 2025.

Một kịch bản tương tự đã xảy ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump, khi USD mạnh lên đáng kể sau chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016 của ông. Đồng USD đã tăng gần 5% từ thời điểm ông giành chiến thắng vào tháng 11 năm 2016 cho đến khi ông nhậm chức vào tháng 1 năm 2017.

Khả năng tăng giá của USD từ các chính sách mà ông Trump đề xuất có thể sẽ gây thêm áp lực lên tỷ giá USD/VND. Trong kịch bản lạm phát của Mỹ vẫn ở mức khoảng 3% sau khi ông Trump nhậm chức và tăng thuế quan, Fed có thể giảm tốc độ cắt giảm lãi suất của mình, sẽ khiến chỉ số DXY neo ở mức cao hiện tại là 106.

Theo IMF, thặng dư cán cân thanh toán của Việt Nam năm 2024 ước đạt 3% GDP, giảm so với mức 5,8% GDP của năm 2023 và dự kiến sẽ tiếp tục thu hẹp trong năm 2025. Trong khi đó, bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối, đã hao hụt đáng kể vào năm 2024. Do đó, sự cạn kiệt này khiến tỷ giá dễ bị biến động hơn trước những biến động của đồng USD.

Về mặt tích cực, thặng dư thương mại mạnh mẽ của Việt Nam và lượng vốn FDI thực hiện tăng 7,1% so cùng kỳ sẽ là những yếu tố hỗ trợ cho VND.

Lãi suất tiền gửi chạm đáy vào tháng 3 và đang trên đà phục hồi

Lãi suất huy động có xu hướng tăng trở lại kể từ tháng 4 do mức lãi suất thấp trước đó đã khiến người dân dần rút tiền gửi khỏi hệ thống ngân hàng. Xu hướng tăng trở nên rõ rệt hơn kể từ tháng 6, khi tăng trưởng tín dụng tăng vọt từ mức 3,4% của tháng 5 lên mức 6,1% vào cuối tháng 6. Việc tăng trưởng tín dụng nhanh gấp 2-3 lần so với tốc độ tăng của huy động vốn đã thúc đẩy các ngân hàng tăng lãi suất huy động, thậm chí lãi suất ở một vài ngân hàng đã vượt mốc 6%/năm.

Sau khoảng hai tháng chững lại, lãi suất huy động đã tăng trở lại trong tháng 11 trong bối cảnh nhu cầu tín dụng thường có xu hướng tăng tốc vào những tháng cuối năm. Theo số liệu từ NHNN, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 11 đã tăng 11,9% so với cuối năm 2023 và tiếp tục tăng lên 12,5% vào ngày 7/12, cho thấy sự cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2023 khi tín dụng chỉ tăng 9%. Do đó, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay là khả quan và dự kiến sẽ tiếp tục gây áp lực lên việc tăng lên lãi suất huy động cho đến cuối năm.

Theo số liệu cập nhật đến cuối tháng 11, lãi suất 12 tháng trung bình của nhóm NHTM đạt mức 5% (cao hơn 14 điểm cơ bản so với đầu năm). Trong khi đó, lãi suất của các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn giữ nguyên ở mức 4,7%, thấp hơn 26 điểm cơ bản so với đầu năm.

Dư địa cho chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ bị hạn chế hơn so với dự kiến dưới áp lực của đồng USD mạnh lên và rủi ro về việc Mỹ tiếp tục thực hiện các cuộc điều tra về thao túng tiền tệ. Trong kịch bản đó, NHNN có thể sẽ cần áp dụng một lập trường chính sách tiền tệ thận trọng hơn để kiểm soát sự ổn định của tỷ giá, đồng nghĩa với việc dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ có thể bị hạn chế.

MBS không kỳ vọng sẽ có bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất chính sách nào trong năm 2025 và kỳ vọng lãi suất đầu vào sẽ duy trì ở mức 5,0% - 5,2%. Mặt khác, MBS cho rằng khả năng tăng lãi suất trong bối cảnh nới lỏng kinh tế toàn cầu là không cao. Theo đó, NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để giữ lãi suất ở mức thấp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Minh An