Y học và đời sống

Tuyệt đối không ăn lạc mốc

n cơm xong được nửa tiếng, bà Bảy thấy bụng đau dữ dội, đau quằn quại từng cơn, buồn nôn và nôn ra toàn nước. Bác sĩ cho biết bà bị ngộ độc do ăn lạc mốc.

Bà Nguyễn Thị Bảy, 67 tuổi (Hà Nam) ở một mình vì con cái đi làm định cư ở xa. Có một mình nên bà ăn uống đơn giản qua loa, thường rang vừng, lạc ăn cùng cơm. Một hôm thấy gói lạc bị mốc, vứt đi thì tiếc nên bà rửa sạch, lấy một ít nấu canh mướp, còn lại rang lên với mắm đường. Ăn cơm xong được nửa tiếng, bà thấy bụng đau dữ dội, đau quằn quại từng cơn, buồn nôn và nôn ra toàn nước. Đến chiều bà đi ngoài phân lỏng nhiều lần, chân tay lạnh toát, miệng khô, mắt trũng, người mệt lả. Mệt quá bà gọi hàng xóm nhờ đưa đi viện. Các bác sĩ cho biết bà bị ngộ độc do ăn lạc bị mốc, chỉ cần truyền dịch, tiêm và uống thuốc vài ngày là khỏi.

Lời bàn: BS Đỗ Thu Hà, Phòng khám Dinh dưỡng, Trung tâm Y tế dự phòng Sở Y tế Hà Nội cho biết, mốc phát triển ở hạt lạc là loại nấm mốc rất độc có tên là aspergillusflavus. Loài vi khuẩn này sống thích nghi trong các loại lương thực và thực phẩm, đặc biệt là lạc bị ẩm. Nếu ăn phải nấm mốc này sẽ gây ngộ độc cấp tính, rối loạn tiêu hoá như bà Bảy. Nếu ăn phải độc tố kéo dài, mỗi ngày một ít thì sẽ có thể gây ung thư gan, ung thư đường mật. Qua trường hợp bà Bảy, mọi người cần chú ý không nên ăn những thức ăn ôi thiu, thức ăn để quá lâu ngày vì có nhiều loại nấm mốc rất nguy hiểm đến tính mạng.

Từ Khoá