Chưa chú ý nên điều trị sai
Bé Nguyễn Văn T. 7 tuổi (Hà Giang) được mẹ đưa đến bệnh viện khám vì đi ngoài ra máu tươi với số lượng nhiều. Mẹ bé cho biết, bé bị táo bón từ nhỏ, thỉnh thoảng phân có dính máu nên gia đình cũng chủ quan. Lần này bé không bị táo bón nhưng vẫn đi ngoài ra máu, số lượng ngày càng nhiều. Sau khi thăm khám bé được chỉ định nội soi đại trực tràng gây mê. Kết quả phát hiện tại đại tràng sigma có 1 polyp có cuống kích thước lớn 4cm, trực tràng có 1 polyp kích thước 0,5cm không có cuống. Kíp nội soi đã tiến hành thắt cuống polyp lớn và tiến hành cắt polyp nhỏ bằng thòng lọng nhiệt điện.
BS Hà Văn Tước, Phó trưởng khoa Cận lâm sàng – Thăm dò chức năng Bệnh viện đa khoa Hùng Vương cho biết, nhiều người nghĩ trẻ nhỏ đi ngoài ra máu là táo bón mà không biết có thể do các polyp ở đại trực tràng hoặc một số bệnh lý khác. Từ đầu năm 2019 đến nay, các bác sĩ đã tiến hành cắt polyp đại, trực tràng cho 4 bé.
Theo BSCK II Trần Văn Quang, Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, polyp đại trực tràng khá phổ biến ở trẻ em, tỷ lệ mắc bệnh là 1 - 5%. Tuy nhiên, ở nước ta, polyp đại trực tràng ở trẻ em chưa được chú ý nhiều đặc biệt là ở tuyến y tế cơ sở và phòng khám các bệnh viện. Đa số trẻ mắc polyp đại tràng được tuyến trước chẩn đoán là đi ngoài ra máu chưa rõ nguyên nhân (54,7%), hội chứng lỵ 22,3%, trĩ... Chỉ một số ít trẻ được chẩn đoán đúng là polyp đại trực tràng, do vậy nhiều trường hợp trẻ phải dùng nhiều loại thuốc kháng sinh một cách không cần thiết.
Polyp sau khi được cắt khỏi đại tràng bệnh nhi. |
Có đến hàng trăm polyp
Theo nghiên cứu của BSCKII Trần Văn Quang, trẻ nhỏ mắc polyp đại trực tràng thường có các biểu hiện đi ngoài phân máu tươi cuối bãi và kéo dài chiếm tỷ lệ 94,2%. Trẻ có thể đi ngoài phân nhầy máu gặp với tỷ lệ 12,8%. Những trường hợp phân nhày máu thường gặp ở những bệnh nhân có polyp trực tràng sát hậu môn nên có thể gây kích thích dễ nhầm với hội chứng lỵ. Đôi khi polyp có thể tự đứt có thể gây tình trạng mất máu cấp tính đe dọa tính mạng nếu không điều trị kịp thời. Polyp cũng có thể sa lồi ra ngoài khi polyp ở vị trí thấp gây cảm giác đau rát. Các triệu chứng trên thường khá liên tục và kéo dài vài tháng đến hàng năm. Một số trường hợp polip có thể gây lồng ruột tái phát ở trẻ lớn.
Polyp đại trực tràng ở trẻ đa số là polyp thiếu niên, thường lành tính khu trú chủ yếu ở trực tràng và đại tràng sigma 87,6%. Polyp đại tràng trẻ em thường là loại đơn độc, có cuống và kích thước polyp 0,5-1cm. Tuy nhiên cũng có không ít những trường hợp polyp to 2-3cm hoặc có vài polyp đến hàng trăm polyp ở đại tràng.
Với các trường hợp nhiều polyp là bệnh có tính chất gia đình, polyp rất nhiều không những ở đại tràng mà cả ở ruột non, thường tiên lượng nặng và có xu hướng phát triển thành ác tính cao.
BS Hà Văn Tước nhấn mạnh, các polyp của đại tràng và trực tràng (đặc biệt là loại có cuống) dễ bị chảy máu khi phân đi qua. Vì thế, biểu hiện hay gặp ở nhiều trẻ là đi ngoài ra máu dù không bị táo bón. Nhiều trường hợp nội soi đại tràng phát hiện polyp lớn khiến trẻ hay bị chảy máu, thiếu máu. Đặc biệt lo ngại nếu polyp phát triển lớn gây tắc ruột hoặc tiến triển thành ung thư.
Vì thế, các bác sĩ đều khuyên, khi thấy trẻ đau bụng, rối loạn tiêu hóa, đặc biệt đại tiện ra máu, thay đổi phân, số lần đại tiện, đặc điểm phân không bình thường, cha mẹ nên đưa đi khám, cần thiết sẽ nội soi toàn bộ đại trực tràng. Soi đại tràng là một kỹ thuật khó đòi hỏi phải có kỹ thuật cao, tuy vậy đây là thủ thuật khá an toàn. Trong quy trình soi, bệnh nhi được soi kiểm tra toàn bộ đại tràng, nếu phát hiện polyp sẽ được cắt và cầm máu, trong mỗi lần soi nếu bệnh nhân có nhiều polyp có thể cắt 50-60 polyp, bệnh phẩm polyp sẽ được gửi làm giải phẫu bệnh học để xác định tổn thương loại gì.
Sau nội soi cắt polyp đa số ổn định và có thể xuất viện sau vài giờ theo dõi. Những trường hợp có nguy cơ chảy máu thì cần theo dõi lâu hơn. Sau cắt hầu hết các cháu hết triệu chứng đi ngoài ra máu, chỉ một số rất ít các trường hợp polyp có thể tái phát.