Khối u ác buồng trứng khổng lồ
Bệnh nhân là Phan T.N (15 tuổi) – độ tuổi rất hiếm người nghĩ đến mắc căn bệnh này. Khai thác tiền sử, mẹ bệnh nhân cho biết mấy tháng trước con kêu đau bụng, mẹ quan sát thì cũng thấy bụng con to ra, gia đình nghĩ con tăng cân do tẩm bổ nhiều. Gần đây bụng to lên hơn, con vẫn kêu đau bụng nên đợi con thi vào lớp 10 xong gia đình mới đưa con đến Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội thăm khám.
Hình ảnh siêu âm cho thấy buồng trứng phải có khối âm vang hỗ hợp kích thước 24cm, ranh giới rõ bên trong không có tín hiệu mạch. Chụp MRI cho thấy hình ảnh khối dạng đa nang, đa thuỳ, các bác sĩ nghĩ đến u quái buồng trứng trái ORADS 5 nghi ngờ ung thư. Bệnh nhân được chỉ định nhập viện khoa Phụ ngoại A5. Khoa A5 xin hội chẩn Ban giám đốc, chỉ định mổ theo phương pháp mổ mở và sinh thiết lạnh.
PGS.TS.BS Lê Thị Anh Đào, Trưởng khoa Phụ ngoại A5, TS. BS. Trần Văn Cường, Trưởng khoa Gây mê hồi sức cùng ê kíp đã thực hiện phẫu thuật. Kiểm tra ngay bản chất là khối u quái chưa trưởng thành, bệnh nhân được phẫu thuật cắt phần phụ ở bên có u. Ca phẫu thuật diễn ra thành công lấy ra khối u lớn 24cm.
PGS. TS. BS. Lê Thị Anh Đào cho biết, rất may mắn khối u của bệnh nhân 15 tuổi là thuộc tế bào mầm, ở giai đoạn sớm vì vậy cơ hội điều trị bệnh đáp ứng hiệu quả cao.
Ca phẫu thuật cho bệnh nhân u buồng trứng khổng lồ - Ảnh BVCC |
Những điều cần biết về ung thư buồng trứng
Các bác sĩ bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, buồng trứng là cơ quan sinh dục của nữ, gồm hai bên: buồng trứng phải và buồng trứng trái nằm hai bên tử cung ở vùng chậu. Mỗi buồng trứng có chứa hàng triệu tế bào để tạo ra trứng.
Bao bọc buồng trứng là một lớp tế bào biểu mô, nếu các tế bào này bị ung thư thì gọi là ung thư biểu mô buồng trứng. Loại ung thư này chiếm 90% các loại ung thư buồng trứng nên khi nói đến ung thư buồng trứng người ta sẽ nghĩ ngay đến ung thư biểu mô buồng trứng. Các loại khác hiếm gặp hơn như ung thư tế bào mầm, ung thư mô đệm.
Khối u buồng trứng được lấy ra từ bé gái 15 tuổi |
Những người dễ mắc bệnh ung thư buồng trứng gồm:
- Phụ nữ có mẹ, con, chị, em gái mắc bệnh ung thư buồng trứng.
- Phụ nữ xét nghiệm có đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2.
- Đã từng bị bệnh lạc nội mạc tử cung.
- Có dùng thuốc nội tiết sau mãn kinh.
Khi nghi ngờ ung thư buồng trứng chị em sẽ được thăm khám như thế nào?
-Khám vùng bụng bằng tay, bác sĩ có thể phát hiện khối u hoặc dịch trong bụng nếu khối u lớn và dịch nhiều.
-Khám vùng chậu: để phát hiện kích thước khối u đồng thời đánh giá tử cung, bàng quang xem u buồng trứng có ảnh hưởng đến các cơ quan này không.
Nếu bệnh nhân nghi ngờ ung thư buồng trứng sẽ tiếp tục làm:
+ Đo nồng độ chất CA125 trong máu.
+ Siêu âm.
+ Khám tổng quát, làm các xét nghiệm tổng quát.
+ Chụp CT scan.
+ Chụp cộng hưởng từ.
+ Chẩn đoán mô học chỉ có được sau phẫu thuật.
Để phát hiện kịp thời, các bác sĩ khuyến cáo: Khi gặp những triệu chứng sau nên đến bệnh viện thăm khám ngay:
Đau bụng vùng dưới rốn, đầy bụng.
Đi tiểu lắt nhắt.
Bụng to dần.
Các triệu chứng này thường nhẹ và cũng có thể là triệu chứng của những bệnh khác nên thường làm cho chị em mất cảnh giác trì hoãn đến bệnh viện không đi khám ngay.