<div> <p style="text-align: justify;"><strong>Tấn công cả trẻ sơ sinh</strong></p> <p style="text-align: justify;">Cháu T.A.T, 10 tuổi (Yên Lập, Phú Thọ), nhập viện trong tình trạng bụng trướng to. Gia đình cho biết, khoảng 1 tháng nay, bụng cháu to lên bất thường. Ban đầu, gia đình nghĩ cháu béo nên không đưa đi kiểm tra ngay. Chỉ đến khi bụng cháu to lên bất thường gia đình mới hốt hoảng đưa cháu vào viện thăm khám. Kết quả chẩn đoán cháu T có một khối u lớn dạng nang nằm trong ổ bụng.</p> <p style="text-align: justify;">ThS.BS Nguyễn Đức Lân, Trưởng khoa Ngoại nhi tổng hợp, bệnh viện Đa Khoa Phú Thọ cho biết, khối u quá to, xâm chiếm gần hết ổ bụng với kích thước hơn 26cm. Khối u phát triển ở buồng trứng trái làm mất hết chức năng của buồng trứng. Các bác sĩ phải tiến hành chọc hút nội soi lấy hết dịch trong khối u, đồng thời quyết định cắt hết buồng trứng trái và vòi trứng trái. Sau hơn 2 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt bỏ thành công khối u buồng trứng cho cháu T. Sau khi phục hồi, bệnh nhi cần được theo dõi đặc biệt ít nhất là 15 năm.</p> <table align="center" class="imageBox"> <tbody> <tr> <td style="text-align: center;"><img alt="" src="https://khds.1cdn.vn/2019/05/16/u-buong-trung-10-tuoi.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p class="PCaption"><em>Khối u của bệnh nhân T. sau khi đã được chọc hút</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p style="text-align: justify;">ThS.BS Vũ Mạnh Hoàn, Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi cho biết, Bệnh viện cũng đã phẫu thuật cho nhiều trẻ bị u buồng trứng. Có trẻ mới 3 tuổi xuất hiện các triệu chứng đau bụng, nôn ói ... gia đình đưa đi khám thì phát hiện u buồng trứng đường kính gần 5cm, tiềm ẩn nguy cơ gây xoắn, vỡ nên phải tiến hành mổ nội soi, bóc tách khối u, bảo tồn buồng trứng.</p> <p style="text-align: justify;">Có bệnh nhi 12 tuổi nhập viện cấp cứu vì đau bụng vùng hạ vị. Trước đó, cháu bé thi thoảng xuất hiện cơn đau nhưng gia đình nghĩ, cháu bước vào tuổi dậy thì, mới xuất hiện kinh nguyệt nên chủ quan. Kết quả siêu âm và chụp X-quang cho thấy buồng trứng trái có khối dạng nang bì, đường kính lên tới 8,6cm. Trong quá trình phẫu thuật khối u, các bác sĩ phát hiện phần vòi và buồng trứng trái bị xoắn hai vòng khiến khu vực này bầm tím. Bên trong khối u được bóc tách từ buồng trứng của còn chứa các mô tuyến bã, răng, tóc… hay còn gọi là “u quái” buồng trứng...</p> <p style="text-align: justify;">ThS Hoàn cho biết, hai trường hợp trên đều may mắn vì phát hiện kịp thời, bảo tồn được buồng trứng. U buồng trứng, thường được cho là bệnh của phụ nữ trưởng thành. Thế nhưng, ThS.BS Vũ Mạnh Hoàn cho biết, căn bệnh này còn đe dọa các bé gái từ khi mới sinh ra. Mỗi tháng, trung bình khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi Trung ương, tiến hành phẫu thuật gần chục ca u nang buồng trứng ở trẻ em.</p> <p style="text-align: justify;"><strong>90% lành tính nhưng vẫn nguy hiểm</strong></p> <p style="text-align: justify;">Theo ThS.BS Vũ Mạnh Hoàn, u buồng trứng có hai dạng nang và đặc, trong đó lại có hai loại u buồng trứng phổ biến nhất là u nang thanh dịch buồng trứng và u quái buồng trứng. Các khối nang thanh dịch có thể hình thành từ rất sớm, do trẻ bị ảnh hưởng từ hormon của người mẹ khi còn đang mang thai. Tỷ lệ trẻ dưới một năm tuổi phát hiện nang thanh dịch buồng trứng không hề thấp. Hầu hết các trường hợp này đều không chỉ định phẫu thuật mà tiếp tục theo dõi. Đa phần, các khối u có thể teo đi theo thời gian.</p> <p style="text-align: justify;">Theo thống kê, có tới 90% khối u được phát hiện ở trẻ là lành tính, nhưng các chuyên gia vẫn khuyến cáo, phải hết sức cảnh giác với căn bệnh này và tiến hành phẫu thuật khi đường kính khối u từ 5cm trở lên. Bởi nếu để muộn, rất dễ xảy ra tình trạng xoắn cuống khối u, vỡ khối u, chèn ép các cơ quan xung quanh và biến thành u ác tính… Trong trường hợp này, các bác sĩ buộc lòng phải chỉ định cắt bỏ toàn bộ một bên buồng trứng.</p> <p style="text-align: justify;">Điều đáng nói, trên thực tế, không dễ phát hiện u buồng trứng cho tới khi khối u phát tác. “Thông thường, dấu hiệu nhận biết u buồng trứng khá mơ hồ. Bệnh nhân có thể đau ở vùng hạ vị, cơn đau gia tăng khi đã xảy ra tình trạng xoắn, hoặc vỡ nhưng lại dễ bị nhầm lẫn với rối loạn tiêu hóa, hoặc đau ruột thừa”, ThS.BS Hoàn nói. Vì vậy, các gia đình thường xuyên cho trẻ đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện sớm khối u, bởi những bất thường này hoàn toàn có thể phát hiện khi siêu âm ổ bụng. Khi trẻ có các biểu hiện đau tức vùng hạ vị, bụng to bất thường nên đưa con tới ngay cơ sở y tế và không loại trừ khả năng tồn tại khối u nang. Đối với trẻ sơ sinh phát hiện u buồng trứng đang trong quá trình theo dõi, nếu phát hiện trẻ quấy khóc, khó chịu cần được kiểm tra lại khối u ngay lập tức để tránh để xảy ra hậu quả không mong muốn.</p> <p style="text-align: justify;"> </p> </div>
Tưởng con béo nào ngờ u buồng trứng kích thước lớn
Tin liên quan
(khoahocdoisong.vn) - Mới 10 tuổi nhưng bệnh nhi đã mang khối u buồng trứng kích kích thước 107x204x263mm, thể tích 2870ml. Do biểu hiện khá mơ hồ, nhiều trẻ em bị u buồng trứng dễ bị lầm tưởng là rối loạn tiêu hóa, dẫn tới nhiều trường hợp phải cắt bỏ một bên buồng trứng do hoại tử.