Dinh dưỡng

Tưởng chừng thói quen tốt trong bữa ăn nhưng lại vô tình khiến lây lan virus

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Có những thói quen khi ăn mà nhiều người vẫn nghĩ là vô hại nhưng thực chất lại tiềm ẩn hàng loạt nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Gắp thức ăn cho nhau

Đối với người Việt, văn hóa gắp thức ăn cho nhau khá phổ biến trên mâm cơm. Gắp thức ăn cho nhau còn là sự thể hiện tình cảm yêu mến, chia sẻ, hiếu khách… trong văn hóa Phương Đông. Tuy nhiên, về thói quen ăn uống này, chuyên gia cũng có những lưu ý để tránh nguy cơ bệnh tật.

Gắp thức ăn cho nhau. Ảnh minh họa

Gắp thức ăn cho nhau. Ảnh minh họa

Gắp thức ăn mời người khác là một trong những nét văn hóa đặc trưng của người Việt, thể hiện sự hiếu khách, yêu quý. Thế nhưng hành động tưởng rất đẹp này lại gây ra nguy hại đối với sức khỏe của chúng ta. Việc dùng đũa của cá nhân đang ăn gắp thức ăn cho người khác cũng có thể lây truyền các bệnh qua giọt bắn tương tự nói chuyện trong bữa ăn.

Chấm chung bát nước mắm

Trong mâm cơm của các gia đình Việt hầu như không bao giờ thiếu một chén nước mắm. Nó được đặt chính giữa mâm cơm để cả gia đình chấm chung. Tuy nhiên thói quen này được chuyên gia đánh giá là tiềm ẩn nguy cơ lây lan virus rất nguy hiểm.

Nếu cả nhà dùng chung bát nước chấm sẽ làm gia tăng nguy cơ lây lan vi khuẩn, virus. Lý do là khi dùng đũa, nước bọt từ miệng chuyển sang đầu đũa sẽ dính vào các phần chấm chung. Từ đó tạo điều kiện lý tưởng cho virus Herpes, vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) lan truyền từ người này sang người khác.

Chấm chung bát nước mắm. Ảnh minh họa

Chấm chung bát nước mắm. Ảnh minh họa

Trong đó, vi khuẩn HP là đáng sợ nhất. Loại vi khuẩn này tồn tại trong nước bọt, mảng cao răng, niêm mạc dạ dày của người bệnh. Khi bị nhiễm khuẩn HP, bệnh nhân sẽ rất khó phát hiện vì loại virus này phát triển rất “lặng lẽ”. Nhiễm khuẩn HP là nguyên nhân khởi phát của các cơn đau dạ dày mãn tính như viêm dạ dày, loét dạ dày và ung thư dạ dày.

Theo các chuyên gia, nhiều bệnh nhân lây nhiễm khuẩn HP ở Việt Nam là do chấm chung nước mắm, ăn chung đũa… Do đó, tốt nhất mỗi người nên có bát nước chấm riêng, lưu ý là không chỉ chấm riêng nước mắm mà ngay cả các loại gia vị như muối, bột canh, tương ớt... cũng cần chấm riêng.

Nói chuyện, cười đùa trong bữa ăn

Bữa ăn là thời gian để mọi người gắn kết với nhau. Do vậy, việc trò chuyện với nhau trong bữa ăn giúp tăng cường mối quan hệ tình cảm trong gia đình. Tuy nhiên, vừa ăn vừa nói chuyện lại là thói quen không tốt cho sức khỏe, gây ảnh hưởng tới việc hấp thu dinh dưỡng.

Trong bữa cơm nói quá nhiều hoặc quá tập trung vào câu chuyện của người khác có thể ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa thức ăn. Nhiều trường hợp vừa nói chuyện vừa nuốt luôn thức ăn mà không kịp nhai khiến dạ dày phải làm việc vất vả hơn. Ngoài ra, thói quen này còn khiến cho bạn không cảm nhận được hương vị của món ăn, khả năng tiêu hóa hấp thu cũng sẽ bị hạn chế.

Nói chuyện trong bữa ăn. Ảnh minh họa

Nói chuyện trong bữa ăn. Ảnh minh họa

Nói chuyện, cười đùa trong bữa ăn còn có nguy cơ khiến bạn bị hóc hoặc nghẹn thức ăn. Thói quen này cũng ảnh hưởng đến quá trình nhai và giảm các dịch tiết.

Ngoài ra, vừa ăn vừa nói chuyện còn khiến mọi người không kiểm soát được lượng thực phẩm đưa vào cơ thể (ăn quá nhiều hoặc quá ít) đều ảnh hưởng tới sức khỏe tổng thể chung.

Để đảm bảo sức khỏe, mọi người nên hạn chế nói chuyện, cười, đùa trong lúc ăn, thay vào đó nên tập trung vào ăn uống để dạ dày hoạt động tốt nhất, tăng cường hấp thu chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Giang Thu (T/H)