Y học và đời sống

Tự thụt rửa đại tràng "chữa bệnh", người phụ nữ nhập viện cấp cứu

  • Tác giả : Giang Thu
Thụt tháo đại tràng chỉ là một bước làm sạch đại tràng giúp cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh đại tràng đường tiêu hóa. Phương pháp này cần được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa, thực hiện tại các cơ sở y tế có cấp phép.

Ngày 2/12, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức (Hà Nội) thông tin về ca bệnh cấp cứu vì tự thụt rửa đại tràng để "chữa bệnh", theo hướng dẫn của hội nhóm trên Facebook.

TS.BS Phạm Vũ Hùng – Trưởng khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh nhân M. L.H, 43 tuổi, (Hà Nội), vào viện trong tình trạng rò trực tràng và bàng quang.

Bệnh nhân có tiền sử mổ cắt tử cung phần phụ do ung thư cổ tử cung ở Bệnh viện K cách đây 18 tháng, sau mổ phải điều trị hoá chất và trị liệu. Sau khi xem hướng dẫn rửa thụt đại tràng bằng nước trên facebook chữa được bệnh, bệnh nhân đã làm theo 2 tháng. Tuy nhiên, khi phát hiện mình đi tiểu ra phân, bệnh nhân đã lo lắng và đến bệnh viện kiểm tra.

Nữ bệnh nhân phải nhập viện điều trị, sau khi nghe hướng dẫn trên Facebook, tự thụt rửa đại tràng để "chữa bệnh". Ảnh BVCC

Nữ bệnh nhân phải nhập viện điều trị, sau khi nghe hướng dẫn trên Facebook, tự thụt rửa đại tràng để "chữa bệnh". Ảnh BVCC

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, sau khi chụp cắt lớp ổ bụng và soi đại tràng, bàng quang chẩn đoán xác định rò trực tràng bàng quang, các bác sĩ đã tiến hành ca phẫu thuật rất khó khăn cắt bỏ toàn bộ khối u di căn vào bàng quang và đại tràng của bệnh nhân, dẫn lưu bàng quang và phải làm hậu môn nhân tạo.

Hiện tại, bệnh nhân ăn uống, đi lại bình thường và đã được xuất viện.

“Điểm đặc biệt, bệnh nhân này là có tiền sử nhiễm HIV từ năm 2001, cơ thể suy nhược nặng 36 kg và đã điều trị bằng thuốc kháng virus ARV suốt 13 năm, do đó phải tuân thủ quy trình phẫu thuật nghiêm ngặt để phòng ngừa nguy cơ phơi nhiễm HIV cho bác sĩ phẫu thuật và nhân viên y tế khác”, TS.BS Phạm Vũ Hùng cho biết thêm.

Theo BS Hùng, thụt tháo đại tràng chỉ là một bước làm sạch đại tràng giúp cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh đại tràng đường tiêu hoá nhưng phương pháp điều trị cần được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa và được thực hiện tại các cơ sở y tế có cấp phép.

"Mọi người không nên tin vào các quảng cáo, hướng dẫn trên mạng xã hội như Facebook, TikTok, vì việc thụt rửa đại tràng để chữa bệnh là phản khoa học. Trường hợp bệnh nhân này là lời cảnh báo cho tất cả mọi người, không nên nghe theo, thực hiện theo các hướng dẫn không có cơ sở khoa học.

Tốt nhất khi bị bệnh, người bệnh cần điều trị theo đúng chỉ định, tuân thủ thuốc, lịch tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ", TS Hùng thông tin.

Giang Thu