Khoa học & Công nghệ

Tự hào 2 nhà khoa học nữ được vinh danh tại Lễ trao Giải thưởng Kovalevskaia

  • Tác giả : Khánh Thủy
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) và GS.TS.NGƯT Nguyễn Minh Thủy, Giảng viên cao cấp Bộ môn Công nghệ Thực phẩm, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ đã vinh dự nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021.

Tại Lễ trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 16/5, 2 nhà khoa nữ là GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) và GS.TS.NGƯT Nguyễn Minh Thủy, Giảng viên cao cấp Bộ môn Công nghệ Thực phẩm, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ đã vinh dự nhận Giải thưởng cao quý này.

1(2).jpg
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai (trái) và GS.TS. NGƯT Nguyễn Minh Thủy (phải).

Với những thành tích nghiên cứu khoa học nổi bật, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai đã chủ trì và hoàn thành 14 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp; trong đó có 10 đề tài cấp Bộ, 4 đề tài cấp tỉnh, công bố 135 bài báo khoa học, trong đó 75 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế và 66 bài báo quốc gia. Có thể kể đến công trình khoa học tiêu biểu của GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai như: Đề tài “Xây dựng quy trình chiết xuất cao định chuẩn từ củ Ngải bún và đánh giá tác dụng dược lý theo định hướng sử dụng hỗ trợ điều trị bệnh viêm loét dạ dày”; kết quả của nghiên cứu đã định hướng cho việc sản xuất các chế phẩm hoặc thuốc điều trị bệnh viêm loét dạ dày từ dược liệu trong nước.

GS.TS. NGƯT Nguyễn Minh Thủy cũng sở hữu “kho” công trình nghiên cứu khá đồ sợ với 50 bài báo khoa học trong các Tạp chí Quốc tế có uy tín (ISI, SCOPUS, ISSN); có 107 bài báo khoa học trong các Tạp chí Quốc gia, 18 công trình khoa học trong các Kỷ yếu Hội nghị quốc tế. Với hướng nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật xử lý, tồn trữ và chế biến đa dạng sản phẩm thực phẩm có giá trị chất lượng cao và an toàn từ các loại nông sản nhiệt đới sau thu hoạch, nhiều sản vật địa phương, qua nghiên cứu của GS.TS Nguyễn Minh Thủy đã trở thành các sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

Đơn cử như các công trình: “Đánh giá chất lượng mía cây tỉnh Hậu Giang và giải pháp làm giảm tổn thất hàm lượng đường sau thu hoạch”, “Sản xuất rượu vang thốt nốt từ các giống men thuần chủng phân lập từ thốt nốt tự hiên ở huyện Tri Tôn, Tịnh Biên An Giang”, “Nghiên cứu chế biến đa dạng các sản phẩm từ khóm Cầu Đúc Hậu Giang và tận dụng phế liệu cho quá trình trích ly enzyme bromelin”… Nhờ những nghiên cứu này, nhiều công nghệ đã được chuyển giao cho doanh nghiệp, mang lại giá trị kinh tế cao.

Theo Ban tổ chức, Giải thưởng Kovalevskaia là Giải thưởng mang tên nhà toán học Nga Sophia Kovalevskaia bắt đầu trao tại Việt Nam năm 1985, là giải thưởng quốc tế đầu tiên dành cho các nhà khoa học nữ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Đến nay, Giải thưởng đã được trao cho 21 tập thể và 50 cá nhân nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Nông nghiệp, Y học, Công nghệ thông tin… Giải thưởng Kovalevskaia đã trở thành giải thưởng danh giá cấp quốc gia dành cho các nhà khoa học nữ với những thành quả nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao trong thực tiễn.

Khánh Thủy