Thời sự

Truyền bia cứu sống bệnh nhân ngộ độc rượu: Chỉ áp dụng ở bệnh viện chuyên khoa

  • Tác giả : Phạm Hằng
(khoahocdoisong.vn) - Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã dùng 15 lon bia (gần 5 lít bia) truyền cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu hôn mê và bệnh nhân đã thoát cơn nguy hiểm. Xung quanh vấn đề này, nhiều người cho rằng, cứ uống nhiều rượu rồi uống bia vào để chống say, “giải” ngộ độc… Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã kết nối với các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực.

Cứu sống bệnh nhân nguy kịch vẫn phải xem lại quy trình?

Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị tiếp nhận bệnh nhân N. trong tình trạng hôn mê, nguy kịch. Trước đó, trong tiệc mừng Giáng sinh, ông N. cùng một số người uống rượu. Sau khi về nhà, ông cùng 3 người khác xuất hiện các biểu hiện bất thường.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị đã tiến hành xét nghiệm khí máu, soi đáy mắt và dựa vào biểu hiện lâm sàng chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc methanol có trong rượu.

Để cứu sống bệnh nhân, bác sĩ truyền ba lon bia tức 990 ml vào đường tiêu hóa của bệnh nhân. Mỗi giờ tiếp theo, bệnh nhân được truyền thêm một lon bia. Sau khi truyền tổng cộng 15 lon bia, tức gần 5 lít, bệnh nhân dần bình phục, tỉnh táo, ra viện.

Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết, Sở đã nắm được thông tin trên và nhận định việc các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị, sử dụng bia để cứu sống bệnh nhân ngộ độc rượu là có cơ sở khoa học. Tuy nhiên, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đang kiểm tra lại quy trình, văn bản của Bộ Y tế nên hiện chưa thể đưa ra bất cứ đánh giá nào về hành động của các bác sĩ.

Giải pháp lạ có phải là phát minh?

Trao đổi về trường hợp này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh,Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ, riêng cá nhân tôi thì không tin vào sự việc này cả về mặt khoa học và thực tế. Đây là lần đầu tiên họ làm, họ có dám chịu trách nhiệm về cái chết của bệnh nhân không mà dám liều đến như vậy? 

Theo tôi, truyền 5 lít bia là không hợp lý, họ đã thách đố, thi thố trên tính mạng của người khác. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh phân tích, bia là sản phẩm thực phẩm không phải là sản phẩm thuốc, muốn là sản phẩm thuốc phải kiểm tra vô cùng ngặt nghèo. Đặc biệt là sản phẩm truyền qua máu. Bởi nếu thuốc đưa bằng đường mồm vào cơ thể, cơ thể sẽ có cơ chế tự lọc những chất cần thiết để chữa bệnh, còn chất không cần thiết sẽ được đào thảo ra ngoài. Chẳng hạn, giống như chúng ta uống thuốc bắc cơ thể tiếp nhận một số tinh chất cần thiết cho chữa bệnh, số còn lại sẽ được đào thải.

Tương tự, khi ăn một số thực phẩm  cơ thể lấy vitamin và một số chất còn tống các chất cặn bã không cần thiết ra ngoài. Việc truyền qua đường máu phải vô cùng cẩn thận và phải được kiểm tra rất ngặt nghèo. Ví dụ, đường glucose có 2 loại: glucose đẳng trương và glucose ưu trương. Glucose đẳng trương có thành phần đường bằng thành phần của máu, hài hòa, cân đối nên truyền vào cơ thể không vấn đề gì. Còn glucose ưu trương, hàm lượng của đường glucose cao hơn hàm lượng đường trong máu, sử dụng khi bệnh nhân cần rút ngắn thời gian để đưa lượng đường cần thiết vào máu rất quan trọng trong ca cấp cứu đặc biệt. Tuy nhiên truyền loại đường này cũng rất nguy hiểm, dễ xảy ra tai biến. Vì vậy, khi truyền glucose ưu trương phải có chỉ định rất chặt chẽ, các bác sĩ phải hết sức cẩn thận, theo dõi liên tục.

Tương tự, nước muối truyền khi truyền cho bệnh nhân tiêu chảy là nước muối đẳng trương, đẳng là bằng, truyền dễ dàng, nhưng ưu trương phải theo dõi đặc biệt. Hoặc truyền đạm hết sức cẩn thận vì làm từ loại protein thủy phân thành axit amin, nhưng thành phần của axit amin phải cân đối với thành phần axit amin trong máu, khi truyền vào cân đối hài hòa nên cứ thế dẫn đi, còn nếu làm những sản phẩm tạp, không phù hợp với cơ thể người bệnh thì bệnh nhân chết ngay.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh, bia không phải là dịch truyền, thành phần của bia không giống thành phần trong máu, bia có nhiều chất, nhiều tạp chất, truyền qua đường máu rất nguy hiểm. Hơn nữa, người ta có hai cách để đưa dưỡng chất vào cơ thể. Một là qua đường tiêu hóa (ăn, uống), hai là qua đường tĩnh mạch. Dù đưa qua đường nào thì cũng là cơ thể hấp thụ bia, tức là qua đường mạch máu cũng chẳng khác gì uống bia. Vì vậy, từ trường hợp này người ta có thể suy ra cứ uống nhiều rượu rồi uống bia để chống say, để thải độc thì vô cùng nguy hiểm. Bởi uống rượu đã ngộ độc là say, đã ngộ độc lại tiếp ngộ độc chắc sẽ chết, rượu nhạt uống lắm cũng say, bia là rượu nhạt.

Theo PGS.TS Thịnh, khi ngộ độc thông thường phải áp dụng phương pháp đưa một dịch để loãng chất độc, thải qua bài tiết, như uống nước nhiều, rửa ruột để thải chất độc ra ngoài, nếu ngấm hết vào máu thì con đường thải độc qua tiêu hóa cũng hết tác dụng. Hoặc cách 2 là nôn, rửa ruột, chứ không ai rửa ruột bằng bia cả, ngoài mấy ông nghiện. Nếu uống giải độc thì uống chất không có chất độc như nước chanh, có chút đường tăng dinh dưỡng, vitamin C tăng cường quá trình ô xy hóa, tăng cường thải độc qua bài tiết, mồ hôi. Uống 5 lít bia xong thì chưa chết vì rượu đã chết vì bia. Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng giải pháp này lạ, biết đâu là một phát minh?

Phác đồ điều trị ngộ độc rượu của Bộ Y tế.

Chuyên môn vẫn làm bình thường, nhưng đừng nói vì dân chưa hiểu được!

Khi phóng viên gọi điện phỏng vấn chưa cần nói vấn đề vị bác sĩ tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã nói ngay là hỏi về vụ Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị. Chia sẻ về phương pháp này, vị bác sĩ trên cho rằng chuyên môn vẫn làm bình thường nhưng làm đừng nói, vì người dân sao hiểu được kiến thức chuyên môn sâu rồi lại áp dụng sai. Chỉ có bác sĩ chuyên ngành chống độc, thậm chí người học xong làm bác sĩ 10 năm cũng chưa làm được, đòi hỏi có tính toán, liều lượng cụ thể. Nhưng khi tuyên truyền như vậy khiến giật gân.

Khi ngộ độc Methanol bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định dùng và phương pháp này chỉ được pháp sử dụng tại bệnh viện dưới sự dám sát chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa, chứ không phải rượu nào cũng tống thêm bia để giải độc thì chết. Truyền bia chỉ là một cách để thực hiện cùng các cách giải độc khác.

Bác sĩ tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quân y 103 cho rằng, Methanol bản chất của nó độc là do truyển hóa qua gan mới độc, vì nó sinh ra chất khác, gọi là cơ chế đồng vận. Dùng bia bản chất là Etylic, đưa vào cạnh tranh với Methanol, gan không chuyển hóa thải thẳng qua thận thì sẽ giảm độc. Phương pháp này có tác dụng, áp dụng theo cơ chế cạnh tranh: ví dụ hai thằng cùng tranh 1 miếng, Etylic bản chất dùng truyền qua ruột hấp thu nhanh vào máu, gan sẽ ưu tiên xử lý Etylic chứ không xử lý methanol, vậy methanol không truyển hóa qua gan mà qua thận sẽ giảm độc. Đây là cách giải thích cơ chế hóa học cạnh tranh, truyền liều cao là bia, gan ưu tiên chuyển hóa thằng Etylic, methalon thải qua thận. Tóm lại methanol như một chất lúc đó lại đi vào vòng tuần hoàn chuyển qua thận không chuyển hóa nữa.

Về mặt hóa học thì có thể áp dụng như vậy, còn y văn chưa thấy điều trị kiểu đó hoặc là bản thân bác sĩ chưa biết. Trong trường hợp này các bác sĩ đã dốc hết sức lực, vận dụng mọi cách để đưa bệnh nhân từ “cõi tử” trở về  là đáng ghi nhận và cần phải nghiên cứu sâu hơn. Tuy nhiên, người dân không được sử dụng cách uống rượu xong uống bia để giải độc, lúc đó là cộng hưởng chứ không phải thải độc tốt. Bởi truyền tĩnh mạch liều cao khác hoàn toàn với uống. Truyền liều cao cho gan vận hành hết tốc lực thì mới có tác dụng, ví dụ, máy của gan vận dụng hết 4 công suất là 4 máy, khiến thằng methalon qua gan không có chỗ nào chuyển hóa nữa thì qua thận.

Phương pháp có từ lâu nhưng chỉ áp dụng trong y tế

Bác sĩ Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, truyền bia điều trị trong ngộ độc rượu có từ lâu rồi, nhưng nó chỉ dùng trong y tế nếu xác định là ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp). Vì rượu bia bình thường là cồn etanol. Etanol vào cơ thể sẽ tranh chấp chuyển hóa với methanol. Vì methanol độc, nên dùng bia để cấp cứu sau đó vẫn phải giải độc bằng lọc máu…

“Theo cách lập luận của Bệnh viện là hợp lý, quan trọng là cho người dân hiểu đúng. Phương pháp này chỉ áp dụng tại bệnh viện, các cơ sở y tế chuyên khoa. Cơ chế hợp lý, giải độc thì vẫn phải giải độc, đây là kéo dài thời gian giải độc, để độc tố ít ngấm vào cơ thể, để bác sĩ có thời gian giải độc, lọc máu” -  ThS Hoàng Hoa Sơn, Phó cục Trưởng Cục Khoa học - công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế)

Phạm Hằng