Thời sự

Trợ duyên cho người mất do COVID-19 trong lễ tưởng niệm thế nào?

  • Tác giả : Mai Nguyễn
Theo quan niệm của Phật giáo, tử vong do COVID-19 có thể là cái chết không bình thường, cần tới sự trợ duyên của mọi người về mặt tinh thần.

Vào tối ngày hôm nay, 19/11, người dân được vận động tắt đèn, thắp nến để cùng tưởng niệm những người mất do COVID-19. Đúng  20h30, các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ...) được vận động đánh chuông tưởng niệm.

Cùng với việc tưởng niệm, trong buổi lễ này, mỗi người có thể trợ duyên, cầu siêu cho người đã mất hay không là vấn đề nhiều người quan tâm.

tro-duyen-cau-sieu.jpg
Mỗi người có thể trợ duyên, cầu siêu cho người đã mất. Ảnh minh họa.

Trao đổi với KH&ĐS, Ni sư Tín Liên ở tịnh xá Ngọc Phương, quận Gò Vấp, TPHCM, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIV cho biết, theo quan niệm của nhà Phật, có 4 nguyên nhân đưa tới sự chết:

Thứ nhất là do tuổi thọ đã hết. Tuổi thọ sẽ do nghiệp của mình trong quá khứ, cộng với phước báu được hưởng trong kiếp này mà được dài hay ngắn. Khi tuổi thọ hết thì dẫn đến cái chết.

Thứ hai, nghiệp hết thì chết. Theo quan niệm Phật giáo, một người đến thế gian là để trả nghiệp nào đó: Nghiệp tình cảm, tiền bạc, trả xong rồi thì chết.

Thứ ba, cả tuổi thọ và nghiệp cùng hết một lúc thì người đó chết.

Thứ tư, tuổi thọ còn, nghiệp còn nhưng có một cực cộng nghiệp, tức nghiệp lớn xảy ra thì bị cắt đứt sự sống dẫn tới cái chết.

“Có thể tưởng tượng giống như một ngọn đèn cháy được là nhờ tim và dầu. Nếu dầu cạn đèn tắt. Tim cạn đèn cũng tắt. Cả dầu và tim đều cạn thì đèn tắt. Và trường hợp thứ 4, cả tim và dầu đều còn nhưng do cơn gió thổi mạnh mà tim và đèn đều tắt. Tức là cực trọng nghiệp thình lình đến thì cũng đoạn nghiệp, cắt đứt đường sống”, ni sư nói.

Như vậy, đối với người tử vong do COVID-19 có thể là cái chết bất thường, nhưng cũng có thể do đã hết tuổi thọ hay hết nghiệp thì khi mắc bệnh sẽ dẫn tới cái chết. Hoặc người đó gặp cực trọng nghiệp, tức nghiệp rất lớn nên đã bị cắt đứt đường sống.

Cực trong nghiệp ở đây có thể do trong đời sống, người đó làm phước thật lớn, nghiệp lớn đó cắt đứt dòng sống để người đó lên làm chư thiên, thay vì ở dưới thế gian. Nhưng cũng có thể, người đó mắc tội lớn quá, nghiệp này cắt đứt đường sống, người này rơi vào cảnh giới xấu để thọ lãnh quả báo xấu.

Vấn đề là, khi những người thân mình mất đi, mình sẽ không biết được họ sẽ được đi lên cảnh giới chư thiên, cảnh giới tốt hay phải xuống cảnh giới xấu.

Chính vì vậy, việc đến các chùa chiền để cầu siêu hay làm những việc phước đức để hồi hướng nhằm chia sẻ phước với người thân, giúp họ đủ phước mà siêu thoát vào cảnh giới lành.

Trong lễ tưởng niệm tối nay, để hồi hướng, trợ duyên cầu siêu cho người đã khuất, mỗi người có thể khấn xin chia sẻ những phước báu mà mình đã có được, nhờ làm những việc thiện trong cuộc đời này cho người đã khuất.

“Như vậy, với những những người người không đủ phước để siêu thoát lên cảnh giới người hoặc chư thiên – cảnh giới tốt - họ sẽ nhận được thêm phước để có thể siêu thoát, không bị rơi vào cảnh giới xấu”, ni sư nói.

Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 23.000 người Việt. Riêng TPHCM, hơn 17.000 người đã chết do COVID-19 trong 7 tháng qua. Hầu hết người mất do COVID-19 đều ra đi trong cô đơn và có tang lễ không trọn vẹn.

Tối 19/11, Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 được tổ chức tại hai điểm cầu TPHCM và điểm cầu Hà Nội. Lễ tưởng niệm được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình của Trung ương và các địa phương. 

Buổi lễ tưởng niệm nhằm để mọi người nhớ về các bệnh nhân không may mắn đồng thời tri ân các cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng đã hy sinh vì dịch bệnh Covid-19 giai đoạn khốc liệt vừa qua.

Trước đó, trong kỳ họp Quốc hội, GS.TS Nguyễn Anh Trí, đã đề nghị Quốc hội cho phép tổ chức một ngày quốc tang cho những người đã mất vì dịch Covid-19. Việc làm đó theo ông là rất nhân văn, nhân nghĩa, nhân ái đúng với đạo nghĩa của con người Việt Nam.

Mai Nguyễn