Y học và đời sống

Trẻ nhũ nhi sốt xuất huyết nặng, dấu hiệu nhận biết bệnh

  • Tác giả : Giang Thu (Tổng hợp)
Sốt xuất huyết ở trẻ nhũ nhi thường diễn tiến rất nhanh và rất khó xác định ngay từ đầu, khiến dễ lầm tưởng với các bệnh lý hô hấp, tiêu hóa hay nhiễm trùng, tay chân miệng…

Khó khai thác triệu chứng, bệnh diễn tiến phức tạp

Mới đây, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, vừa điều trị thành công và cho xuất viện trường hợp trẻ nhũ nhi (từ 1 tháng cho tới 12 tháng tuổi) bị sốt xuất huyết Dengue nặng.

Đó là trường hợp bé gái T.P.L.Đ. 6 tháng tuổi (Phong An, Phong Điền, Thừa Thiên Huế) nhập viện tại Trung tâm Nhi khoa (cơ sở 2) với biểu hiện sốt cao liên tục, nôn và tiêu chảy.

Qua thăm khám ghi nhận bệnh nhi có biểu hiện sốc với mạch nhanh nhẹ, huyết áp tụt, đại tiện ra máu, được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue nặng.

Các bác sĩ thăm khám cho cháu T.P.L.Đ trong quá trình điều trị. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế

Các bác sĩ thăm khám cho cháu T.P.L.Đ trong quá trình điều trị. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế

Dù được điều trị tích cực với truyền dịch chống sốc và ổn định huyết động nhưng tiên lượng có thể diễn biến rất phức tạp nên bệnh nhi được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu Nhi, Trung tâm Nhi khoa.

Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi có tình trạng cô đặc máu, tiểu cầu giảm, rối loạn đông máu nặng. Các bác sĩ tiến hành điều trị tích cực với truyền dịch, hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục, truyền máu, tiêm vitamin K1.

Sau hơn 1 tuần điều trị, tình trạng bệnh nhi cải thiện dần và được xuất viện.

Dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết ở trẻ nhũ nhi

Bệnh sốt xuất huyết khởi phát khá đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi.

Giai đoạn sốt: Trẻ bị sốt cao đột ngột, liên tục. Trẻ nhỏ thì bứt rứt, quấy khóc, trẻ lớn hơn thì đau đầu, cảm thấy chán ăn, buồn nôn, biểu hiện da sung huyết (những chấm xuất huyết dưới da), đau cơ khớp, nhức ở hai hố mắt, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

Giai đoạn nguy hiểm: Sau giai đoạn sốt, thường rơi vào khoảng ngày thứ 3-7 sau khi mắc bệnh. Trẻ vào giai đoạn này có thể còn sốt hoặc đã thuyên giảm, trẻ bị thoát huyết tương. Nếu tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc, với các biểu hiện dễ nhận thấy như vật vã, bứt rứt, lờ đờ, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, tiểu ít, tụt huyết áp hoặc không thể đo được huyết áp.

Đặc biệt, trẻ bị xuất huyết dưới da hoặc xuất hiện các mảng bầm tím, các nốt xuất huyết nằm rải rác hoặc tập trung ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn; xuất huyết ở niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, tiểu ra máu…

Giai đoạn phục hồi: Sau giai đoạn nguy hiểm khoảng 48-72 giờ, trẻ hết sốt, tình trạng cải thiện nhiều, biểu hiện thèm ăn, huyết áp ổn định hơn và tiểu nhiều hơn.

Các chuyên gia khuyến cáo nên cho trẻ tiêm vắc xin phòng SXH (cho trẻ từ 4 tuổi trở lên); tổ chức vệ sinh môi trường kèm thau vét bọ gậy thường xuyên, nhất là thời điểm mưa nắng giao thoa.

Cách phòng ngừa sốt xuất huyết ở trẻ

Để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ, có thể thực hiện một số biện pháp sau:

Đảm bảo vệ sinh cá nhân cho trẻ

Hướng dẫn trẻ cách rửa tay đúng cách, không dùng chung các đồ dùng cá nhân như: chăn, gối, khăn tắm, quần áo,... với người khác.

Tiêu diệt các loại côn trùng gây bệnh: Tìm cách tiêu diệt các loại côn trùng như muỗi, gián, kiến và giữ cho môi trường xung quanh nhà sạch sẽ, không để nước đọng.

Tăng cường dinh dưỡng và sức khỏe cho trẻ: Cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, giữ cho trẻ luôn được nghỉ ngơi đầy đủ và tăng cường thể lực để chống lại bệnh tật.

Giang Thu (Tổng hợp)