Thiếu vitamin D dẫn đến việc giảm phát triển chiều cao tối ưu ở trẻ.
Theo một nghiên cứu trên 12.000 trẻ em trong độ tuổi 6 - 18 tuổi tại Mỹ năm 2013 trong cuộc tổng điều tra sức khỏe cho thấy, trẻ càng thừa cân thì càng tăng tỷ lệ thiếu vitamin D. Thiếu vitamin D được chẩn đoán khi nồng độ 25 hydroxyvitamin D < 20ng/ml.
Nghiên cứu này cho thấy, tỷ lệ thiếu vitamin D ở trẻ có tình trạng dinh dưỡng bình thường là 21%, ở nhóm trẻ thừa cân là 29%, ở nhóm trẻ béo phì là 34% và trẻ béo phì nặng là 49%. Như vậy, tình trạng thiếu vitamin D có liên hệ chặt chẽ với tình trạng dinh dưỡng của trẻ.
Có một vài giả thuyết cho việc thiếu vitamin D ở trẻ béo phì: Thứ nhất là vitamin D là một vitamin tan trong chất béo nên bị giam giữ nhiều trong mô mỡ dư thừa của trẻ béo phì.
Một giả thuyết khác là mô mỡ dư thừa làm phá hỏng một vài con đường chuyển hóa của nội tiết tố có liên quan đến sự phát triển xương, ví dụ như leptin kích hoạt một con đường làm ức chế sự chuyển vitamin D tại thận thành thể hoạt động.
Ngoài ra, thiếu vitamin D ở trẻ béo phì cũng do thói quen ít vận động, ít tiếp xúc ánh nắng mặt trời ở nhóm trẻ này.
Thiếu vitamin D dẫn đến việc giảm phát triển chiều cao tối ưu ở trẻ. Thừa cân béo phì được chẩn đoán khi trẻ vượt quá cân nặng thường có ở một mức nhất định chứ không phải đợi đến lúc nhìn thấy trẻ béo phì một cách quá rõ và quá nhiều như những gì mọi người thường nghĩ. Hãy tham khảo thêm 2 hình đính kèm, trong đó trẻ ở hình D là bình thường và hình F và G là thừa cân và béo phì.
Do đó, các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi tăng trưởng mạnh cần phải lưu ý vấn đề này để có thể giúp con phát triển tối ưu.
TS Trần Quốc Cường (Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM)