Dữ liệu y khoa

Trẻ 2 tuổi bị chó cắn rách vùng khí quản

  • Tác giả : An Quý
(khoahocdoisong.vn) - Một bé trai 2 tuổi trong lúc đang chơi với chị gái 5 tuổi cùng 2 chú chó Alaska trước nhà, bất ngờ bị chó cắn trúng cổ, gây rách khí quản.

Bố mẹ ngay lập tức đưa con đi cấp cứu tại bệnh viện gần nhà, vết thương vùng khí quản dài khoảng 0,2cm, trẻ thở phì phò. Sau khi rửa sạch vết thương, băng ép, bé được chuyển tới Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM.

Bệnh nhi nam 2 tuổi đang được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM điều trị sau khi bị chó cắn.

Bệnh nhi nam 2 tuổi đang được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM điều trị sau khi bị chó cắn.

Các bác sĩ nhanh chóng đánh giá vết thương hở vùng cổ, nội soi khí quản và phát hiện đường thở bị rách khiến bệnh nhi thở yếu và thiếu oxy, rất may là các mạch máu lớn không bị tổn thương.

Sau khi đánh giá và kiểm soát tình hình, các bác sĩ đã tiến hành đặt nội khí quản qua vị trí rách, chuyển bệnh nhi về khoa hồi sức và tiến hành chụp cắt lớp vùng cổ để đánh giá các tổn thương nằm sâu có thể bị bỏ sót, đồng thời hội chẩn toàn viện để lên phương án điều trị tối ưu nhất. Sau đó, bệnh nhi đã được phẫu thuật khâu lại khí quản và chỉnh hình các thương tổn khác đi kèm.

BSCKII Nguyễn Tường Thy, Khoa Tai Mũi Họng cho biết, đây là tai nạn đặc biệt nguy hiểm khi thương tổn nằm ở khí quản, bệnh nhi có thể bị chết não nếu đường thở bị tắc nghẽn và không thể cung cấp oxy cho não sau vài phút. Bệnh nhi rất may mắn khi thương tổn chỉ rách 1 phần khí quản, không tổn thương mạch máu lớn và được xử trí rất nhanh, hiệu quả ngay từ đầu.

Hiện nay, rất nhiều gia đình nuôi chó hoặc thú cưng trong nhà. Việc này sẽ đi kèm với nhiều nguy cơ vì chiều cao của các bé gần ngang tầm với miệng chó, vì vậy những vết thương do chó cắn thường ở vùng đầu cổ thay vì tay, chân như ở người lớn. Những vết cắn rất nguy hiểm, có thể lây truyền tạp khuẩn, virus bệnh dại, đặc biệt có thể tử vong nếu tổn thương khí đạo mạch máu lớn vùng đầu cổ, như em bé trên đây.

Vì vậy, để hạn chế những tai nạn thương tâm như vậy, các bậc phụ huynh nên hạn chế nuôi chó khi có con nhỏ trong nhà. Nếu có, cha mẹ tuyệt đối không để bé chơi một mình với chó mà không có người lớn quan sát. Khi nuôi chó cần chích ngừa đầy đủ, đeo rọ mõm khi ra ngoài đường, xích chó khi không có người trông giữ.

An Quý