Bộ LĐTBVXH vừa có văn bản lấy ý kiến về việc áp dụng quy định tiền lương tối thiểu, dự kiến thực hiện từ ngày 1/7. Theo quy định này, Bộ LĐTBVXH muốn áp dụng lương tối thiểu giờ.
Cách tính lương tối thiểu giờ dùng lương tối thiểu tháng áp dụng với từng vùng chia cho số giờ làm việc quy định trong tháng (26 ngày mỗi tháng, 8 tiếng mỗi ngày).
Theo Bộ LĐTBVXH đây là mức lương thấp nhất làm cơ sở thỏa thuận đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, mục đích mở rộng độ bao phủ, bảo vệ các nhóm lao động làm công việc linh hoạt, bán thời gian.
Theo lý giải của Bộ LĐTBVX, mức lương tối thiểu tháng do Chính phủ quy định hiện chủ yếu áp dụng cho người lao động làm những công việc có tính chất ổn định trong khu vực chính thức.
Đối với người lao động làm những công việc có tính chất linh hoạt, làm việc không trọn thời gian cho các hộ gia đình, các cơ cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ (như nhà hàng, siêu thị, quán cà phê...) thì việc sử dụng mức lương tối thiểu tháng làm căn cứ thoả thuận, trả lương theo ngày, giờ, tuần đối với người lao động đang có sự cứng nhắc, thiếu cơ sở áp dụng linh hoạt, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Do đó, bên cạnh mức lương tối thiểu tháng, cần thiết phải quy định mức lương tối thiểu giờ để mở rộng độ bao phủ và tăng tính bảo vệ của tiền lương tối thiểu đối với các nhóm lao động làm những công việc linh hoạt, bán thời gian theo quy định của Bộ luật Lao động.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng lương tối thiểu giờ cao nhất 22.500 đồng là mức thấp so với mặt bằng chung của thị trường lao động. Hiện lao động làm theo giờ đối những việc chân tay, giúp việc theo giờ còn cao hơn 2-3 lần.
Ngoài ra, lương tối thiểu tháng hiện trả cho lao động chỉ là phần thực lĩnh, còn phần bị "che khuất" là tiền đóng BHXH, chi phí phát triển nhân lực, bảo hộ... Nếu tính lương tối thiểu theo giờ thì phải cộng thêm tất cả chi phí này, bởi lao động bán thời gian thường không được hưởng hết các chế độ.