Khám phá

Trạng Ác Giáp Hải

  • Tác giả : Nguyễn Thành Hữu
(khoahocdoisong.vn) - Trạng Ác Giáp Hải là người có những cống hiến to lớn đối với nhà Mạc trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao.    

Dấu chân trên đá                                                                                                      

Giáp Hải, tự Tiềm Phu, hiệu Tiết Trai, sau đổi là Giáp Trừng, sinh năm Đinh Sửu, niên hiệu Quang Thiệu thứ 2 (1517) đời nhà Lê, mất năm Bính Tuất, niên hiệu Đoan Thái nguyên niên (1586) đời Mạc Mậu Hợp (có tài liệu cho rằng ông sinh năm 1515 và mất năm 1585); người xã Dĩnh Kế, huyện Phượng Nhãn (nay thuộc thành phố Bắc Giang); là một danh nhân khoa bảng tiêu biểu của cả nước, còn được gọi là Trạng Kế hay Trạng Ác, do tính ông rất ngay thẳng.

Theo gia phả và sách đá phát hiện ở Cốc Lâm - Dĩnh Trì - Lạng Giang, Giáp Hải là con đầu bà ba cụ Khánh Sơn họ Đỗ, từ nhỏ đã rất thông minh được học hành chu tất, học một biết hai, ứng đối như thần. Tuy vậy, không ỷ vào sự thông tuệ của mình, Giáp Hải rất chăm chỉ dùi mài kinh sử.

Tương truyền Giáp Hải ngày ngày thường tới chân núi Kế ngồi dưới lùm cây, đặt chân lên một phiến đá đọc sách, nên hòn đá chỗ Giáp Hải ngồi học còn in dấu hình bàn chân. Nhiều ngày mải học, quên ăn, khát nước thì múc nước giếng bên cạnh uống; buổi tối thường rang một túi hạt tiêu khi nào buồn ngủ thì nhấm nháp cho miệng cay cay mà tỉnh.

Học chừng "hết chữ" các ông đồ trong vùng, ông được cha cho lên Kinh đô học. Đến khoa thi Mậu Tuất (1538) niên hiệu Đại Chính thứ 9, Thái Tông Mạc Đăng Doanh, Giáp Hải thi đỗ đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh, tức Trạng nguyên.

Những bài thơ ngoại giao hay nhất

Giáp Hải nhiều lần được cử đi tiếp sứ nhà Minh, giải quyết vấn đề biên giới với tài ngoại giao xuất chúng, để vua quan nhà Minh thán phục và kính nể. Ông có tài làm thơ ứng đáp các sứ thần và chính ông đã soạn sách “Ứng đáp bang giao” gồm 10 quyển, chép các thư từ, biểu văn bang giao của các triều.

Bài thơ "Vịnh bèo" (họa lại bài thơ của Mao Bá Ôn) của ông, theo giáo sư Trần Quốc Vượng, là một trong những bài thơ “ngoại giao” hay nhất trong kho tàng thi ca Việt Nam.

Năm 1540, sau khi đỗ trạng được 2 năm, Thái Tông Mạc Đăng Doanh đột ngột qua đời, con là Mạc Phúc Hải lên thay. Phải kiêng huý tên vua nên Giáp Hải mới đổi là Giáp Trừng, còn dân gian vẫn quen gọi là Trạng Kế.

Năm 1558 đời Tuyên Tông Mạc Phúc Nguyên, niên hiệu Quang Bảo thứ 5, Giáp Trừng được cử làm Đề điệu cho kỳ thi hương ở trấn Sơn Nam. Trong kỳ thi này có thí sinh khởi xướng chống trường thi, Giáp Trừng kiên quyết xử lý làm gương cho các kỳ thi khác.

Năm 1573, ông được cử giữ chức Tuyên Phủ đồng tri, lên Nam Quan, Lạng Sơn cùng quan lại nhà Minh thương nghị giám sát biên giới. Với lý lẽ sắc bén, giải pháp thông minh, khiến người Minh phải nể phục, kính trọng, gọi ông là Giáp Tuyên phủ chứ không gọi tên.

Ông là người giỏi bang giao từ mệnh, đã năm lần được triều đình giao cho trọng trách đi sứ, ba lần nắm ấn quan to. Ngoài việc bang giao, mỗi lần tiếp sứ hay mỗi lần đi sứ ông thường có thói quen làm thơ ghi lại, sau tập hợp thành “Ứng đáp bang giao tập”.

(còn nữa)

Nguyễn Thành Hữu