Giải pháp

TPHCM: Doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4

  • Tác giả : Hữu Thông
(khoahocdoisong.vn) - Báo cáo với lãnh đạo TPHCM tại Hội nghị gặp gỡ trực tuyến giữa lãnh đạo TPHCM và Doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) cho biết, khảo sát nhanh trên 100 DN bằng hình thức online cho thấy, trong đợt tái dịch Covid-19 lần thứ 4, có đến 84% DN nhỏ và vừa gặp khó khăn.

Cụ thể, trong số đó có 40% thiếu vốn kinh doanh; thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp chiếm 80%; phải cắt giảm lao động chiếm 52%; bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu chiếm 14%; bị cản trở hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội phòng dịch chiếm trên 50%...

Mặc dù một số doanh nghiệp ở một số ngành công nghiệp trọng yếu đã nhanh chóng kết nối lại được nguồn nguyên liệu. Điều chỉnh lại hoạt động phù hợp với các điều kiện hiện tại cùng với khả năng tiêu thụ sản phẩm. Song họ đang phải đối mặt với áp lực lớn nhất hiện nay là thiếu vốn và giá nguyên liệu tăng lên chưa biết điểm dừng, chi phí sản xuất tăng cao làm cho sức cạnh tranh thị trường giảm. Nhiều DN muốn tái cấu trúc, chuyển đổi sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số đẩy mạnh mua bán online… nhưng đang kẹt về vốn. Ngoài ra, các gói hỗ trợ DN, người lao động lần thứ nhất tuy kịp thời nhưng thực thi chưa có tác động rõ nét đến DN, mức độ hấp thụ của DN rất thấp. Một số chính sách giãn thuế, bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất… đối với doanh nghiệp tuy đã giúp doanh nghiệp bớt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền nhưng thời gian áp dụng ngắn, số lượng không lớn nên chưa thể giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Đại diện doanh nghiệp hội ngành nghề phát biểu tại hội nghị.

Đại diện doanh nghiệp hội ngành nghề phát biểu tại hội nghị.

Kiến nghị với Lãnh đạo TPHCM, ông Dũng cho rằng, nhiều quốc gia phát triển, những thị trường quan trọng như Mỹ, châu Âu… đang dần đạt miễn dịch xã hội, kinh tế đang mở cửa, thị trường có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam và thành phố, nhưng DN vẫn chưa tiếp cận được văcxin tiêm phòng cho công nhân, người lao động. Điều này ảnh hưởng tới cơ hội gia nhập thị trường, sức cạnh tranh của danh nghiệp do bị chậm chân trên các thị trường nước ngoài, quan hệ làm ăn với các đối tác. Do đó, HUBA đề nghị lãnh đạo thành phố kiến nghị Chính phủ có cơ chế, kế hoạch và lộ trình thật cụ thể về chương trình tiêm văcxin phòng dịch Covid-19 cho công nhân, người lao động trong thời gian sớm nhất có thể, đưa đối tượng các doanh nhân, công nhân, người lao động vào đối tượng ưu tiên tiếp cận văcxin vì sự phát triển kinh tế sau ưu tiên cho tuyến đầu phòng chống dịch, vùng dịch. Đồng thời, tạo điều kiện và hướng dẫn các doanh nghiệp có điều kiện có thể chủ động mua sớm văcxin tiêm phòng cho công nhân của mình.

Bên cạnh đó, TPHCM cần triển khai nhanh các gói hỗ trợ Chính phủ ban hành theo nghị định 52/2021/NĐ-CP, các gói hỗ trợ an sinh xã hội do Bộ LĐ-TB&XH ban hành cần khắc phục các rào cản mà lần hỗ trợ thứ nhất các DN gặp phải. Đặc biệt, ngân hàng tiếp tục xem xét nới lỏng thêm các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ và xem xét cho vay mới theo lãi suất ưu đãi (thấp hơn) giúp cho doanh nghiệp sản xuất bớt khó khăn.

Hữu Thông