KINH TẾ

TP. HCM cần 440.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trở lại

  • Tác giả : Q.T
Cơ sở máy móc, thiết bị công nghệ... của doanh nghiệp trên TP. HCM vẫn còn nguyên, nhưng chỉ 20% số doanh nghiệp, hộ cá thể có thể tự chủ động sản xuất lại.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế TP. HCM. Dự báo, năm nay thành phố tăng trưởng âm 5%.

Tuy nhiên, tiền đề để khôi phục và mở rộng sản xuất của TP. HCM vẫn còn nguyên khi thiết bị, công nghệ, máy móc... của 288.000 doanh nghiệp, cùng bộ máy lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật và hơn 90% lao động đã sẵn sàng trở lại.

Nhưng chỉ khoảng 20% có thể tự khởi động lại, trong khi 80% cần được nhà nước hỗ trợ để có đủ vốn lưu động.

Ông Nhân đề xuất Quốc hội có phương án hỗ trợ tài chính cho 80% doanh nghiệp nêu trên với mức bình quân cho vay khoảng 5 tỷ đồng/doanh nghiệp và 25 triệu đồng/hộ kinh doanh cá thể. 

Tổng mức vay phải vào khoảng 440.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp, hộ cá thể tại TP. HCM dư khả năng trả nợ sau khi có thể hoạt động.

Ông Nhân cho biết, phần lớn các doanh nghiệp tại TP. HCM là doanh nghiệp vừa và nhỏ, với 14 lao động, doanh thu 27 tỷ/1 năm và thuế khoảng 830 triệu đồng/năm.

Như vậy, với mức vay 5 tỷ đồng thì chiếm khoảng 20% doanh thu 1 năm của doanh nghiệp. Đối với hộ kinh doanh cũng tương tự. Nên doanh nghiệp có thể tự trả được.

Năm 2022, TP. HCM có 84.000 tỷ đồng ngân sách.

Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, giai đoạn 2017-2021, tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM là 18%, tổng chi ngân sách là 60.369 tỷ đồng, tức bình quân 7,1 triệu đồng một người.

Năm 2021, tổng chi là hơn 69.000 tỷ đồng, tức bình quân 7,4 triệu đồng mỗi người.

Đến năm 2022, dự kiến tỷ lệ điều tiết ngân sách sẽ tăng lên 21%, TP. HCM sẽ có hơn 84.000 tỷ ngân sách, bình quân 8,8 triệu một người.

Trong tỷ lệ điều tiết ngân sách không tính tiền xổ số và tiền đất. Trong khi đó, Nhà nước đang đầu tư sân bay Long Thành với 109.000 tỷ đồng và một số hạ tầng do ngân sách đã quyết trong kế hoạch đầu tư công là 11.200 tỷ đồng.

Q.T