Y học và đời sống

Tổn thương thận cấp vì uống thuốc Nam của “thầy lang vườn”

  • Tác giả : Thúy Nga
Tổn thương thận cấp diễn biến phức tạp, có tỷ lệ tử vong lên đến 50% từ những biểu hiện tưởng chừng đơn giản như thiểu niệu hoặc vô niệu, phù tay chân, mệt mỏi, buồn nôn...

“Tổn thương thận cấp (AKI) là tình trạng suy giảm chức năng thận đột ngột chỉ trong vài giờ đến vài ngày. Bệnh khiến cơ thể không thể đào thải chất độc, gây rối loạn điện giải, ứ đọng ure máu và nhiều sản phẩm chuyển hóa khác, dẫn đến hàng loạt biến chứng nguy hiểm như phù phổi cấp, rối loạn nhịp tim, thậm chí tử vong”, BSNT Trần Tuyết Trinh, Trung tâm Thận tiết niệu & Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

Suy thận cấp do thuốc Đông y tiên lượng rất khó khăn

Bị sỏi thận, ông N.V.H, 63 tuổi (Lạng Sơn) mua thuốc Nam của thầy lang “vườn” gần nhà uống. Nhưng mới uống được 1 thang, ông H. bị nôn nhiều, đau bụng và bí tiểu... Ông đi cấp cứu được xác định suy thận cấp. Sau hai ngày điều trị tại tuyến tỉnh, ông H. được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng: vô niệu, phù toàn thân, dịch cổ chướng, nôn do hội chứng ure máu cao...

Thực tế hiện nay, tình trạng sử dụng thuốc Nam tùy tiện diễn ra khá phổ biến vì quan điểm những loại này lành tính. Hằng ngày, các bệnh viện trên cả nước đều có bệnh nhân bị suy thận cấp do dùng thuốc Nam, thuốc Đông y, lá uống thải độc mát gan...

Tại Trung tâm Thận tiết niệu & Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi tháng tiếp nhận từ 3-4 bệnh nhân bị AKI do sử dụng thuốc Đông y không rõ nguồn gốc. Thường những bệnh nhân này tiên lượng rất khó khăn, do không biết chính xác độc chất trong các thảo dược không rõ nguồn gốc hoặc do hóa chất sao tẩm và bảo quản thuốc... Nhiều bệnh nhân nhiễm độc nặng bị suy đa tạng, việc điều trị rất khó khăn và tốn kém, nếu cứu được cũng bị di chứng rất nặng nề…

Lọc máu cho bệnh nhân tổn thương thận cấp tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh BVCC

Lọc máu cho bệnh nhân tổn thương thận cấp tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh BVCC

Theo BS Trần Tuyết Trinh, AKI là tình trạng suy giảm chức năng thận đột ngột chỉ trong vài giờ đến vài ngày. Bệnh khiến cơ thể không thể đào thải chất độc, gây rối loạn điện giải, ứ đọng ure máu và nhiều sản phẩm chuyển hóa khác, dẫn đến hàng loạt biến chứng nguy hiểm như phù phổi cấp, rối loạn nhịp tim, thậm chí tử vong.

Triệu chứng điển hình nhất là thiểu niệu hoặc vô niệu, kèm theo phù tay chân, mệt mỏi, buồn nôn. BS Trinh cho biết, AKI có thể khởi phát từ nhiều nguyên nhân, chia thành ba nhóm chính: Trước thận, tại thận và sau thận.

Trong đó, nguyên nhân trước thận thường gặp là sốc (do mất máu, nhiễm khuẩn, suy tim), mất nước hoặc giảm thể tích tuần hoàn ở bệnh nhân xơ gan, hội chứng thận hư. Trong khi đó, tổn thương tại thận lại liên quan đến bệnh lý cầu thận, tổn thương ống thận do thuốc (thuốc Đông - Tây y không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kháng sinh nhóm aminoglycosid, thuốc cản quang). Nhóm nguyên nhân sau thận thường do tắc nghẽn đường tiểu bởi sỏi niệu quản, khối u bàng quang, phì đại tuyến tiền liệt…

Một số trường hợp có khả năng mắc bệnh suy thận cấp tính cao hơn là người lớn tuổi hoặc có vấn đề sức khỏe mạn tính như: Bệnh thận, bệnh gan, tiểu đường, huyết áp cao, suy tim, thừa cân, béo phì, người bị ung thư, người từng phẫu thuật tim, cấy ghép tủy xương, các bệnh lý nhiễm trùng nặng...

Tổn thương thận cấp - Ảnh minh họa

Tổn thương thận cấp - Ảnh minh họa

Mất chức năng thận, nhiều biến chứng nguy hiểm

BS Trần Tuyết Trinh khẳng định, AKI nếu phát hiện sớm và xử trí đúng nguyên nhân, chức năng thận có thể phục hồi hoàn toàn. Ví dụ, bệnh nhân sốc mất máu được truyền dịch kịp thời, người bị tắc niệu quản do sỏi được can thiệp lấy sỏi sớm...

Tuy nhiên, nếu AKI kéo dài dẫn đến hoại tử ống thận, tổn thương cầu thận không hồi phục, nguy cơ trở thành suy thận mạn là rất cao. Suy thận mạn tiến triển dần theo thời gian, khi bước vào giai đoạn cuối sẽ cần đến các biện pháp điều trị thay thế thận suy như lọc máu, lọc màng bụng, ghép thận.

BSCKII Tạ Phương Dung, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, AKI nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, bệnh có cơ hội lành hẳn, khôi phục hoàn toàn chức năng thận. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 76% trường hợp, người bệnh diễn tiến tới mất chức năng thận và suy thận mạn, thậm chí tử vong nhanh chóng do có kèm theo tổn thương khác ở các cơ quan nội quan.

Suy thận mạn tính: Mất chức năng thận vĩnh viễn, phải lọc máu suốt đời để loại bỏ chất độc, chất thải và nước dư thừa ra khỏi cơ thể hoặc ghép thận để duy trì sự sống.

Tổn thương tim: Nếu thận hoạt động không tốt, hệ thống hormone giữ vai trò điều hòa huyết áp không ổn định khiến cho tim phải bơm máu nhiều hơn. Tình trạng này khiến tim chịu nhiều áp lực và dễ bị tổn thương.

Tổn thương hệ thần kinh: Suy thận cấp có thể gây rối loạn thần kinh cơ, gây co giật, hôn mê. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho hệ thần kinh bị tổn thương khó phục hồi.

Huyết áp cao: Những thay đổi chức năng thận do suy thận cấp tính có thể làm đảo lộn sự cân bằng tự nhiên của cơ thể đối với muối và chất lỏng. Sự thay đổi này khiến cho huyết áp của người bệnh tăng lên. Nếu không được điều trị, huyết áp cao có thể dẫn đến đau tim và đột quỵ.

Yếu cơ: Khi chất lỏng và chất điện giải của cơ thể bị mất cân bằng do tổn thương cấp tính ở thận và không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng yếu cơ.

Tức ngực khó thở: Suy thận cấp tính dẫn đến tình trạng tích tụ chất lỏng trong phổi, khiến cho người bệnh bị khó thở. Nếu màng ngoài tim bị viêm, người bệnh còn có thể bị đau ngực.

Thăm khám, tư vấn cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh BVCC

Thăm khám, tư vấn cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh BVCC

BS Trinh khuyến cáo: “Để phòng ngừa và phát hiện sớm AKI, người dân không nên tự ý dùng thuốc Đông - Tây y không rõ nguồn gốc, thuốc không được kê đơn theo hướng dẫn của bác sĩ (giảm đau, kháng sinh...).

Những người có bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp, suy tim cần tái khám định kỳ và tuân thủ điều trị. Khi thấy lượng nước tiểu giảm, phù mặt, phù chân không rõ nguyên nhân, hoặc mệt mỏi kéo dài, hãy đến ngay cơ sở y tế. Đừng chủ quan vì mỗi phút chậm trễ đều ảnh hưởng đến tính mạng".

Các biện pháp phòng ngừa suy giảm chức năng thận, suy thận cấp:

- Nếu người bệnh có bệnh tiểu đường cần điều trị kiểm soát tốt đường máu ở mức bình thường, thường xuyên kiểm tra định kỳ chất đạm trong nước tiểu.

- Điều trị tốt bệnh lý tăng huyết áp, tăng mỡ máu

- Hạn chế bia rượu

- Nên ăn các thức ăn có lợi như ít muối, ít chất béo, ăn nhiều cá, rau quả. Một số loại thức ăn ít muối như thực phẩm tươi, trái cây, củ hành, tiêu, chanh, gừng...

- Cần uống đủ nước, khoảng 2-3 lít một ngày tùy mức vận động, thời tiết.

- Tập thể dục đều đặn

- Không tự ý dùng thuốc bừa bãi

- Dùng thuốc ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể men chuyển

- Giải quyết các nguyên nhân gây tắc nghẽn đường tiết niệu

- Khám bác sĩ chuyên khoa thận học định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm. Khi khám thận cần chú ý kiểm tra huyết áp, nước tiểu, xét nghiệm máu...

Thúy Nga