KINH TẾ

Tội phạm nhiều thủ đoạn, giả danh công an lừa tiền

  • Tác giả : Tuyết Vân
(khoahocdoisong.vn) - Gần đây, liên tiếp rất nhiều nạn nhân bị các đối tượng giả danh công an, cán bộ tòa án, viện kiểm sát, nhân viên ngân hàng... gọi điện thoại dọa dẫm, yêu cầu hợp tác chuyển tiền hoặc cung cấp tài khoản để rút tiền. Đây không phải là thủ đoạn mới nhưng rất nhiều người bị lừa như thôi miên.

Không dễ tìm ra thủ phạm

Chị Phan Thúy Ngà ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết thời gian qua, rất nhiều bạn bè trong nhóm "91-94 Hà Nội" cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại. Nhưng chị Ngà không ngờ thủ đoạn này mới đây lại rơi đúng vào người của mình. Theo đó, mẹ chồng chị Ngà nhận được cuộc điện thoại giả danh công an cho biết một người thân trong gia đình làm ăn phi pháp, liên quan đến rửa tiền và buôn bán ma tuý xuyên quốc gia. Để phục vụ điều tra, các đối tượng tra hỏi, dọa dẫm và liên tục nối máy đến các bộ phận giả danh công an, tòa án... yêu cầu kê khai tài sản, tài khoản, các sổ tiết kiệm, cung cấp thông tin để xác minh.

Trong vòng gần 1 tiếng đồng hồ, đối tượng lừa đảo làm cho mẹ chị Ngà căng thẳng, sợ hãi rồi yêu cầu ra ngân hàng rút tiền chuyển vào một tài khoản của công an nhằm phục vụ công tác điều tra, xác minh, giám định nguồn gốc tiền. Chỉ khi toàn bộ số tiền tiết kiệm hưu trí dưỡng già 1 tỷ đồng đã được chuyển đi, về đến nhà nghỉ ngơi bà mới giật mình nghi là bị lừa kể lại cho mọi người trong gia đình. Chị Ngà đưa bà lên công an khai báo và tìm gặp các bạn bè hỏi han thì mới biết, rất nhiều người bị lừa tương tự và không dễ gì tìm được thủ phạm.

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an Q.12, TP.HCM cũng cho biết đang điều tra làm rõ vụ giả danh cơ quan công an để lừa đảo qua điện thoại, nhưng với chiêu thức mới. Đó là trường hợp anh N.N.D. (SN 1984, ngụ tại TPHCM). Anh này nhận được điện thoại từ một số máy lạ xưng là nhân viên bưu điện Hà Nội nói có bưu phẩm từ Công an Hà Nội gửi vào.

Ít phút sau, một cuộc điện thoại khác tự xưng là Công an Hà Nội đang điều tra vụ đánh bạc qua mạng và thông báo anh D. có liên quan đến vụ án, và yêu cầu anh D phối hợp với cơ quan công an để xác minh. Anh D. bị yêu cầu cấp họ tên, số chứng minh và mã tài khoản ngân hàng để kiểm tra. Sau khi kê khai mọi thông tin để chứng minh sự trong sạch, anh D. phát hiện thấy tài khoản của mình bị rút mất 85 triệu đồng nên vội vàng đến cơ quan công an trình báo.

Trung tá Tống Đăng Công, Đội trưởng Đội CSHS - CAQ Hoàn Kiếm cho biết, những năm qua, đơn vị tiếp nhận khá nhiều đơn trình báo của công dân bị các đối tượng gọi điện thoại giả danh công an, cán bộ tòa án, kiểm sát, nhân viên bưu điện... lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Thủ đoạn của chúng thường tự xưng là cán bộ của các cơ quan tư pháp, hành pháp, công an, dọa người dân có liên quan đến những vụ án buôn lậu ma túy, rửa tiền, giết người... Không chỉ người cao tuổi, ít cập nhật thông tin mà có những người còn trẻ, có kiến thức cũng bị lừa.

Làm gì khi bị lừa?

Theo báo cáo, trong vòng gần 5 tháng đầu năm 2019, Công an TP.Hà Nội đã nhận được đơn thư tố giác bị lừa đảo từ 18 nạn nhân, với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên đến gần 33 tỷ đồng. Các đối tượng lừa đảo sử dụng mạng Internet, mạng viễn thông với nhiều thủ đoạn tương tự như trên.

Theo Trung tá Tống Đăng Công, lừa đảo qua điện thoại là một hình thức không mới, các đối tượng sẽ đi theo đúng quy trình được lập trình sẵn, từ việc thông báo có bưu phẩm cần nhận gấp, yêu cầu cung cấp CMT để mở niêm phong và sau đó là đọc lệnh triệu tập vì liên quan đến một vụ án nào đó. Để tránh bị mất tiền oan người dân cần lưu ý: Cơ quan Công an không thông báo kiểm tra bằng điện thoại. Lực lượng công an, khi thực hiện công tác kiểm tra cơ quan, cơ sở, đơn vị thì sẽ lập lịch và kế hoạch kiểm tra, gửi thông báo bằng văn bản về nội dung, thời gian kiểm tra cho đơn vị trước thời điểm kiểm tra ba ngày làm việc. Đặc biệt, công an tuyệt đối không bao giờ thông báo kiểm tra bằng điện thoại.

Để phòng ngừa các trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản như đã nêu trên, người dân cần đề cao cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi có nội dung tương tự như trên, bình tĩnh và không làm theo yêu cầu của các đối tượng. Người dân cần thông báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc trực ban hình sự Công an địa bàn nơi cư trú để xác minh làm rõ. Mỗi gia đình nên lưu số điện thoại đường dây nóng của công an nơi cư trú để phòng khi cần dùng. Đồng thời liên hệ với Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) để trình báo vụ việc, cũng như các doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng để xác minh thông tin chính thức.

Tính đến thời điểm này, nhiều người dùng cho biết họ vẫn nhận được rất nhiều các cuộc gọi yêu cầu thanh toán cước, nhận bưu phẩm gấp của các đối tượng lừa đảo. Đại diện VNPT khẳng định, họ không áp dụng hình thức thông báo qua hộp thư tự động đến khách hàng với các nội dung nhắc nợ cước hoặc nhận bưu phẩm, bưu kiện như trên. Vì vậy tất cả các cuộc gọi có dấu hiệu như trên đều là các cuộc gọi của đối tượng lừa đảo. Người dùng khi gặp phải tình trạng trên, hãy dập máy ngay lập tức và không thực hiện bất kỳ các giao dịch, cung cấp thông tin để chúng có thể khai thác, tấn công các tài khoản ngân hàng.

Đặc biệt, người dùng tuyệt đối không cung cấp thông tin đối với người xa lạ cũng sẽ khiến người dùng có thể mất tài khoản và sử dụng trong các mục đích xấu. Trên internet, người dùng không truy cập vào các đường link không xác định. Đồng thời không đăng nhập tài khoản Facebook và thậm chí là tài khoản ngân hàng ở những trang web lạ. Ngoài ra, không cung cấp các thông tin riêng tư quá nhiều trên mạng và nên sử dụng những chương trình virus có chức năng Internet Security, bảo đảm an toàn kết nối trên mạng.

Tuyết Vân