NHÌN THẲNG

Tổ dân phố vô thừa nhận

Hàng trăm hộ dân ở xã Tân Triều (Thanh Trì – Hà Nội) đã và đang viết đơn cầu cứu các cơ quan chức năng vì nhiều năm qua không được chính quyền địa phương thừa nhận.

Thậm chí, họ còn bị coi là sinh sống bất hợp pháp trên thửa đất của dự án. Việc xin nhập khẩu của ba trăm con người cũng không được chấp thuận.

Cổng chào của tổ dân phố bị chính quyền cho là công trình sai phạm.

Nhà một nơi, hộ khẩu một nẻo

Ông Trần Văn Mô, Tổ trưởng tổ dân phố 60 tại ngõ 307 đường Nguyễn Xiển tỏ ra rất bức xúc, cho rằng việc chính quyền xã Tân Triều không thừa nhận họ là việc làm sai, trái với các quy định pháp luật.

Ông Mô cho biết, hàng trăm hộ dân với hơn 300 nhân khẩu thuộc Tổ dân phố số 60 nằm trên đất xã Triều Khúc nhưng không được công nhận là người dân địa phương.

Ông Nguyễn Hữu Vỵ nói: “Chúng tôi chờ dự án triển khai thì sẽ phối hợp để giải phóng mặt bằng. Đó là đất nông nghiệp trồng lúa, đã được giao cho dự án thì người dân phải chấp hành”. Vậy sao chính quyền để người dân mua bán và ở trên đất dự án? Ông Vỵ nói: “Đó là lỗi của chính quyền các khóa trước”.

Điển hình như ông Nguyễn Đình Vĩnh, trú tại số 4, ngách 438/4 ngõ Thịnh Quang – Ngã Tư Sở, quận Đống Đa có mua lại một căn nhà cấp 4 tại xã Tân Triều và chuyển về đây sinh sống, tính đến nay đã được 15 năm. Mọi nghĩa vụ công dân ông Vĩnh cùng gia đình đều thực hiện thông qua UBND xã Tân Triều, nhưng hộ khẩu gia đình ông Vĩnh không được chuyển về mà vẫn phải để ở quận Đống Đa.

Cũng giống như ông Vĩnh, tại ngõ 307 đường Nguyễn Xiển có gần trăm hộ dân tất cả đều trong cảnh “sống một nơi, đăng ký hộ khẩu một nẻo”. Các hộ gia đình nơi đây đều khát khao được ổn định cuộc sống, khát khao được trở thành công dân chính thức của xã Tân Triều. Nhiều lần các hộ dân trong xóm đề nghị chính quyền địa phương cho phép thành lập tổ dân cư nhưng cả xã, cả huyện không trả lời.

“Khi người dân mua nhà và chuyển tới đây sinh sống, UBND xã Tân Triều vẫn xác nhận vào Giấy chuyển nhượng nhà với nội dung “Nhà nằm trên đất do xã Tân Triều quản lý và không thuộc vùng quy hoạch”, ông Mô cho hay.

Đập trụ bê tông chứ không đập cổng

Vì không được chính quyền cho thành lập tổ dân cư nên mọi chuyện trở nên lộn xộn. Vì vậy, trước nhu cầu thiết yếu của khu xóm, những cư dân nơi đây đã cùng nhau tự thành lập tổ dân cư mang tên Tổ 60 và bầu ông Trần Văn Mô làm tổ trưởng.

Thông báo cưỡng chế “công trình vô chủ” của UBND xã Tân Triều.

Năm 2016, các hộ dân trong ngõ thống nhất xây dựng cổng chào của khu dân cư do các hộ dân trong tổ tự đóng góp. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND xã Tân Triều cho rằng đó là công trình xây dựng sai phép. Ngày 18/9/2017, ông Nguyễn Hữu Vỵ, Chủ tịch UBND xã Tân Triều ra quyết định cưỡng chế với công trình này.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vỵ cho biết: Chúng tôi không xâm phạm đến cổng của dân cư mà kiên quyết sẽ đập bỏ hai trụ bê tông vi phạm. UBND huyện Thanh Trì cũng đang chỉ đạo xử lý vấn đề này.

Chúng tôi hỏi tại sao UBND xã không chấp thuận việc nhập khẩu của các hộ dân? Ông Vỵ cho rằng, người dân ngõ 307 chưa hề làm đơn. Hoặc làm đơn gửi cho công an xã, nhưng công an chưa chuyển lên.

Trong khi đó, ông Mô và nhiều người dân ngỗ 307 khẳng định đã nhiều lần làm đơn gửi Ban công an xã Tân Triều. Tất cả những việc này đều đã được ghi chép trong sổ sách.

Một lý do sâu xa khác mà chính quyền xã Tân Triều kiên quyết xử lý, như lời ông Vỵ cho rằng các hộ dân ở ngõ 307 đã và đang ở trên khu đất dự án trung tâm thương mại dịch vụ Hạ Đình. Việc người dân xây dựng nhà cửa và sinh sống trên đó là vi phạm pháp luật.

Trong khi đó, ông Mô và các hộ dân ngõ 307 khẳng định họ sinh sống hợp pháp trên chính mảnh đất mà họ đã bỏ tiền ra mua, đúng với nội dung xác nhận trong giấy chuyển nhượng nhà “Nhà nằm trên đất do xã Tân Triều quản lý và không thuộc vùng quy hoạch”.

Trần Hòa