KINH TẾ

Tình hình hoạt động khối ngân hàng thương mại nhà nước

  • Tác giả : Quốc Trọng
(khoahocdoisong.vn) - Đến 31/12/2018, tổng tài sản của 4 ngân hàng thương mại nhà nước đạt 4.785.986 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong Báo cáo Chính phủ vừa gửi đến Quốc hội báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc có một mục riêng về tình hình tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh của khối ngân hàng thương mại nhà nước.

Theo đó, khối ngân hàng thương mại nhà nước gồm 4 ngân hàng là Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank); Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Báo cáo cho biết, đến hết 31/21/2018, tổng tài sản của 4 ngân hàng thương mại nhà nước đạt 4.785.986 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn vốn chủ sở hữu đạt 232.324 tỷ đồng, tăng 21.216 tỷ đồng (10,1%) so cuối năm 2017.

Vốn điều lệ 138.077 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước góp là 141.024 tỷ đồng. Cụ thể, Ngân hàng BIDV có 32.573 tỷ đồng; Ngân hàng Vietcombank là 27.743 tỷ đồng; Ngân hàng Vietinbank là 24.001 tỷ đồng; riêng Ngân hàng Agribank vốn chủ sở hữu là 56.707 tỷ đồng; vốn điều lệ là 30.473 tỷ đồng.

Dư nợ cho vay khách hàng đạt 3.443.124 tỷ đồng, tăng 418.774 tỷ đồng (13,8%) so với 31/12/2017. Nợ xấu (theo quy định tại thông tư 02/2013/TT-NHNN) năm 2018 là 53.294,7 tỷ đồng, chiếm 1,35% so với tổng nợ, tỷ lệ tăng 0,15% so cuối năm 2017. Vốn huy động từ tiền gửi của khách hàng, đạt 3.704.484 tỷ đồng, tăng 390.484 tỷ đồng (11,8%) so với 31/12/2017.

Về kết quả kinh doanh, Chính phủ cho biết lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 40.852 tỷ đồng, tăng 8.587 tỷ đồng (26,6%) so cuối năm 2017. Chỉ tiêu ROA (lợi nhuận sau thuế/Tổng tài sản) và ROE (lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu) riêng lẻ tương ứng là 0,68 % và 14,1%.

Báo cáo cũng cho biết, hiện phương án tăng vốn cho các ngân hàng này đang tiếp tục được trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định. Với thực trạng tài chính như hiện tại và nhu cầu vốn tự có để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định, nhu cầu tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước là rất cấp thiết, đặc biệt trong thời gian tới, các ngân hàng thực hiện áp dụng chuẩn Basel II theo thông tư 41/2016/TT-NHNN và đáp ứng tiêu chuẩn của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nhằm giữ mức xếp hạng tín nhiệm hiện tại.

Quốc Trọng