Khoa học & Công nghệ

Tìm thấy “kho báu” đa dạng sinh học

  • Tác giả : Bảo Khánh
(khoahocdoisong.vn) - Một nghiên cứu mới đây khu vực rừng Kon Plông (Kon Tum) cho thấy nơi đây có giá trị đa dạng sinh học rất cao. Di sản thiên nhiên này là “kho báu quốc gia” với quần thể động thực vật cần được bảo vệ và phục hồi.

Một nghiên cứu mới đây khu vực rừng Kon Plông (Kon Tum) cho thấy nơi đây có giá trị đa dạng sinh học rất cao. Di sản thiên nhiên này là “kho báu quốc gia” với quần thể động thực vật cần được bảo vệ và phục hồi.

Chà vá chân xám.

Chà vá chân xám.

Nhiều quần thể động vật quý hiếm

Các khảo sát về đa dạng sinh học mới đây của Tổ chức Fauna & Flora International (FFI) – một tổ chức về bảo tồn động thực vật hoang dã lâu đời trên thế giới đã tiết lộ một "kho báu" về động vật hoang dã quý hiếm và quan trọng tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Kết quả các chuyến khảo sát đã cho thấy Kon Plông là nơi sinh sống của một quần thể chà vá chân xám rất lớn và quan trọng của toàn cầu, với khoảng 500 cá thể. Đây có lẽ là quần thể lớn nhất của loài này trong phạm vi phân bố được biết tới. Trong các đợt khảo sát này, có tổng cộng 31 - 35 đàn với khoảng 381 - 434 cá thể chà vá chân xám được phát hiện trên năm khu vực rừng được khảo sát. Theo ước tính của các chuyên gia, hiện tại Kon Plông có khoảng 500 cá thể, vì trên thực tế, chưa thể khảo sát hết toàn bộ diện tích rừng của huyện.

Chà vá chân xám tại Tây Nguyên.

Chà vá chân xám tại Tây Nguyên.

Ngoài chà vá chân xám, FFI cũng phát hiện quần thể của một loài linh trưởng nguy cấp khác là vượn đen má vàng Trung Bộ (Nomascus annamensis). Loài này lần đầu tiên được mô tả vào năm 2010. Các khảo sát có hệ thống hiện sắp hoàn thành, đến thời điểm hiện tại, có 61 – 67 đàn với hơn 125 – 143 cá thể đã được ghi nhận.

Bằng việc sử dụng 130 bẫy ảnh đặt ở 120 điểm, nhóm khảo sát đã phát hiện hơn 121 loài động vật có vú và chim, bao gồm cả một số loài đặc hữu và cực kỳ nguy cấp. Trong đó, một điều đáng ngạc nhiên là quần thể cầy vằn đã được tìm thấy phân bố khá nhiều ở Kon Plông. Loài động vật ăn thịt này hiện được xếp hạng Nguy cấp theo Danh lục đỏ IUCN và có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo tồn trên thế giới. Ở rất nhiều nơi, trong đó có cả các khu bảo tồn và vườn quốc gia, loài này bị đánh bẫy khá nhiều và gần như không còn ngoài tự nhiên. Ngoài ra, bẫy ảnh cũng đã phát hiện một số loài chim quý hiếm như khướu Kon Ka Kinh và khướu Ngọc Linh, trong đó khướu Ngọc Linh là loài đặc hữu, chỉ có ở Việt Nam.

“Kon Plông được cho là khu vực rừng quan trọng nhất của Việt Nam nằm ngoài hệ thống rừng đặc dụng. Đây không chỉ là khu vực có nhiều loài đặc hữu, quý hiếm mà còn là hành lang kết nối duy nhất giữa khu vực phía Nam dãy Trường Sơn (kết thúc ở Quảng Nam) và khu vực phía Đông dãy Trường Sơn (kéo dài đến Gia Lai và hơn nữa)”, ông Josh Kempinski – Giám đốc Chương trình Việt Nam, Tổ chức Fauna & Flora International, cho biết.

Cần lập khu bảo tồn

Theo ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên PanNature, với những thông tin quan trọng về đa dạng sinh học mà các nhà khoa khọc mới ghi nhận gần đây, rừng Kon Plông xứng đáng là một khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị ở khu vực Tây Nguyên. Bên cạnh những lợi ích vềbảo vệ thiên nhiên, bảo tồn, khu vực này sẽ góp phần nâng cao các giá trị dịch vụ du lịch bền vững cho Kon Plông.

Trĩ sao.

Trĩ sao.

Kon Plông là vựa đa dang của các loài động thực vật với nhiều loài đặc hữu của Việt Nam và khu vực như chà vá chân xám và khướu Kon Ka Kinh, cũng như các loài thực vật có giá trị dược liệu cao. Kon Plông cũng là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số với kiến thức bản địa phong phú và văn hóa truyền thống độc đáo của vùng Bắc Tây Nguyên.

Dù có rất nhiều loài động thực vật quý hiếm nhưng Kon Plông vẫn đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa trực tiếp và đáng lo ngại như nạn săn bắt, phá rừng, sinh cảnh bị phân mảnh do mở rộng canh tác nông nghiệp, xây dựng các công trình hạ tầng như đường, thủy điện và điện gió... Đáng lo là nạn sử dụng bẫy động vật tràn lan trên các cánh rừng. Việc bẫy bắt này ảnh hưởng đến nhiều loài động vật từ linh trưởng, thú ăn thịt, đến các loài chim và thú nhỏ. Có rất nhiều loài động vật được tìm thấy trong tình trạng bị thối rữa ở trong rừng. Thợ săn đặt bẫy trong rừng khá nhiều, có thời điểm, có thể bắt gặp hàng trăm chiếc bẫy được đặt dọc theo hơn 2km đường rừng.

Đại diện FFI đang cùng với chính quyền địa phương đang thực hiện các chương trình bảo tồn với hy vọng phần rừng còn lại của khu rừng nguyên sinh này có thể được bảo vệ, tiến tới  thành lập một khu bảo tồn nhằm quản lý, bảo vệ rừng nghiêm ngặt và hiệu quả.

Bảo Khánh