Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature, nhóm tác giả thông tin hợp chất này được kích thích tạo ra nhiều nhất trong huyết tương ngay sau khi chuột được đưa lên máy chạy bộ cường độ cao.
"Việc tập thể dục thường xuyên đã chứng minh có thể giúp giảm cân, ăn ngon miệng và cải thiện chức năng tiêu hóa, đặc biệt là cho người thừa cân và béo phì" - Yong Xu, giáo sư lĩnh vực nhi khoa & sinh học phân tử tại Trường Y Baylor (Mỹ) và là đồng tác giả của nghiên cứu trên, cho biết.
Theo các nhà khoa học, phân tử Lac-Phe được tổng hợp từ lactate (loại hợp chất được sinh ra sau vận động cường độ cao) và phenylalanine (một loại axit amin cấu tạo nên protein của cơ thể người).
Các thí nghiệm cho thấy liều lượng Lac-Phe cao có thể làm chuột giảm ăn lên đến 50% sau khoảng 12 giờ mà không ảnh hưởng đến việc vận động và tiêu hao năng lượng của chúng. Khi Lac-Phe được đưa vào cơ thể chuột trong vòng 10 ngày, loại hợp chất này đã làm giảm đáng kể lượng thức ăn tiêu thụ, giảm cân, giảm mỡ và tăng sức chống chịu với glucose.
Nghiên cứu trên cũng xác định được một loại enzyme - gọi là CNDP2 - có liên quan đến việc sản xuất Lac-Phe. Chuột bị thiếu enzyme này giảm cân chậm hơn so với các con chuột khác.
Ngoài chuột, các nhà khoa học cũng tìm thấy bằng chứng cho thấy hàm lượng Lac-Phe trong huyết tương của ngựa và người tăng lên sau vận động, mở ra khả năng ứng dụng hợp chất này cho con người.
Theo họ, chạy nước rút là hoạt động làm tăng lượng Lac-Phe mạnh nhất, theo sau là luyện tập sức mạnh và sức bền.