Dọc đường

Tiến sĩ 8x và giấc mơ mang tên dương xỉ

  • Tác giả : Hà Lan
(khoahocdoisong.vn) - Đam mê với dương xỉ, TS Lữ Thị Ngân đã dành phần lớn tuổi thanh xuân để mở đường cho những phát hiện mới về loài cây này. Với 38 bài báo quốc tế, công bố 5 chi mới, 30 loài mới cho khoa học và 37 loài bổ sung cho khu hệ thực vật Việt Nam, nữ tiến sĩ thuộc thế hệ 8x đã và đang góp phần nâng cao và khẳng định giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam. 

Không sắc, không hương, sao lại thích?

Đấy là câu hỏi mà nhiều người vẫn hay đặt cho TS Lữ Thị Ngân (sinh năm 1983), Phòng Sinh học, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, khi biết chị theo đuổi nghiên cứu về cây dương xỉ, loài cây không sắc, không hương, không hoa, chẳng có gì nổi bật.

TS Ngân bảo đấy là duyên nợ. Chị kể, chị vốn là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên tại huyện vùng cao miền tây Nghệ An. Từ nhỏ chị đã gắn bó với nương rẫy, thiên nhiên. Chọn theo học Khoa Sinh, Đại học KHTN, ĐHQG Hà Nội có lẽ cũng bắt nguồn từ tình yêu núi rừng và cỏ cây từ thủơ thơ bé. Năm 2008, ra trường, về làm việc tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và được định hướng nghiên cứu về nhóm dương xỉ.

ts-8x1.jpg

ts-8x1.jpg

Vậy là hơn chục năm, từ lúc ra trường, học Thạc sĩ sau đó làm nghiên cứu sinh tại Viện Sinh học Thành Đô, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, chị vẫn tiếp tục theo đuổi về cây dương xỉ. Chị kể, làm về dương xỉ rất khó vì các đặc điểm hình thái biến đổi nhiều và nhiều đặc điểm rất nhỏ phải dùng kính lúp, kính hiển vi mới quan sát được.

Cái khó nữa là bởi cây mọc chủ yếu ở núi cao, đá vôi hiểm trở và đỉnh càng cao có thể có nhiều loài quý hiếm hơn nên nghiên cứu ngoài thực địa, thu thập mẫu vật gặp nhiều khó khăn. Hơn thế nữa, ở nước ta, các tư liệu về nhóm dương xỉ rất ít và đã lạc hậu, thiếu mẫu vật, thiếu chuyên gia khoa học... Tuy nhiên, chính những khó khăn này lại khiến chị có nhiều động lực để gắn bó với dương xỉ.

Chị kể hồi mới ra trường, lần đầu đi thực địa, chị tự bỏ tiền túi và hăm hở đi “săn” dương xỉ. Đến nơi thấy dương xỉ mọc khắp nơi, đã vậy, đi một đoạn lại thấy dương xỉ có hình dạng rất khác nhau, chị mừng lắm, tưởng nhiều loài, hái mang về cả, nhưng về tới nơi tra cứu tài liệu mới phát hiện tất cả những thứ chị nhìn thấy mang về thật ra đấy chỉ là một loài.

Chị không nhớ mình đã đi bao nhiêu chuyến thực địa, trèo bao nhiêu ngọn núi. Thông thường khi đi thực địa, nên có dân bản địa dẫn đường. Đường khó đi, lại leo cao, nhiều chỗ, dân bản địa còn thấy mệt, thấy nản, không muốn đi tiếp nhưng chị vẫn thoăn thoắt băng rừng, vượt núi. 

Với TS Ngân, dương xỉ là nhóm quan trọng để hiểu đa dạng sinh học và có vai trò rất quan trọng trong tiến trình tiến hóa và đa dạng sinh học vì chúng phân bố rộng rãi và chiếm nhiều môi trường sống. Dương xỉ là nhóm thực vật có mạch lớn thứ hai và là một trong những loài thực vật ở cạn xuất hiện đầu tiên (khoảng 300-400 triệu năm trước). 

Không chỉ có vai trò quan trọng trong đa dạng sinh học, dương xỉ còn có nhiều ý nghĩa trong cuộc sống. Dương xỉ là nguồn thức ăn có nhiều chất dinh dưỡng như rau dớn, ngọn non bòng bong, móng bò, Pteridium aquilinum …; dương xỉ cũng có thể dùng làm nước uống (“củ” mọng nước của một số loài có thể ăn để chống khát).

Dương xỉ còn được dùng là chỉ thị sinh thái (ô nhiễm không khí, đất hoặc nước, khử kim loại nặng (chì, asen, crom, vàng,…), lọc nước, biến đổi khí hậu, đô thị hóa…

Dương xỉ cũng có thể dùng làm phân bón, thuốc trừ sâu từ bèo Azola.

Đặc biệt, dương xỉ có thể làm thuốc chữa trị nhiều bệnh do có các chất chống oxy hóa, chống đái tháo đường, chống ung thư, kháng virus, chống viêm, chữa lành vết thương, kháng khuẩn, chống bệnh Alzheimer,…. Các nghiên cứu hóa thực vật trên cây dương xỉ đã tiết lộ rằng chúng chứa nhiều loại ancaloit, flavonoid, polyphenol, terpenoit và steroid...

tien-si-them.jpg

tien-si-them.jpg

Thành công nào cũng có sự trả giá

Và những khó khăn, vất vả đã được đền đáp. Những bài báo của TS Ngân về dương xỉ liên tiếp được đăng tải trên các tạp chí trong và ngoài nước, trong đó có những tạp chí quốc tế có tên tuổi như Cladistics, Molecular Phylogenetics and Evolution, Taxon... Không những thế chị liên tục có những công bố phát hiện loài mới. Cụ thể, chị đã công bố 5 chi mới, 30 loài mới cho khoa học và 37 loài bổ sung cho hệ thực vật Việt Nam.

Những kết quả nghiên cứu của chị đã đóng góp không nhỏ cho cộng đồng các nhà khoa học nghiên cứu dương xỉ trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, chị đang là chủ nhiệm 1 đề tài của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) và 1 dự án bảo tồn của quỹ Rufford (Vương quốc Anh). Tất cả các đề tài và dự án trên đều liên quan đến nhóm dương xỉ.

Để có được những thành công này, cũng là một sự trả giá. Chị kể, người bạn đời của chị là TS Đỗ Văn Trường, cùng cơ quan nên có sự  cảm thông và thấu hiểu với công việc và những chuyến đi xa của vợ. Nhưng có giai đoạn chồng chị làm nghiên cứu sinh ở CHLB Đức chưa xong thì chị quyết định sang Trung Quốc học tiếp. Khi ấy, cô con gái của anh chị mới tròn 3 tuổi. Vợ chồng như “ngưu lang, chức nữ” đã đành, nhưng con cái thiệt thòi vì phải xa bố mẹ thì thấy xót xa. Bố mẹ cùng đi học xa nên con gái nhỏ lúc gửi ông bà ngoại ở Nghệ An, lúc gửi ông bà nội ở Nam Định. Khổ nhất là giai đoạn con chị đến tuổi đi học, chuyển trường, chuyển chỗ ở liên tục. 
Tuy nhiên, điều khiến TS Ngân băn khoăn nhất hiện nay là nghiên cứu về dương xỉ chưa thu hút được nhiều người. Một phần vì ngành nghiên cứu cơ bản ít được quan tâm và đầu tư đúng mức. Với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng, để sống và làm nghiên cứu cơ bản thì quả thực là khó khăn. Mặt khác, bài giảng về ngành dương xỉ chưa được đưa vào giảng dạy nhiều nên các bạn trẻ biết rất ít về ngành dương xỉ. 

ts-8x2.jpg

ts-8x2.jpg

Chị ra nước ngoài tham dự hội thảo, các nhà khoa học đều biết về dương xỉ của Việt Nam, thậm chí sang Việt Nam hợp tác với chị để làm những nghiên cứu chuyên sâu về dương xỉ Việt Nam. Thế nhưng, ở tại Việt Nam dương xỉ lại không thu hút được sự quan tâm, chị thấy vừa buồn vừa lo. Chị hi vọng sẽ có những chính sách phù hợp để thu hút nhà khoa học yên tâm làm nghiên cứu cơ bản nói chung, yên tâm nghiên cứu về thực vật và dương xỉ nói riêng.


 Tôi yêu dương xỉ bởi vẻ đẹp mong manh, sức sống mãnh liệt tiềm ần trong những loại cây nhỏ bé, nhìn tưởng như yếu ớt này.  Với tôi, dương xỉ “nhỏ nhưng có võ” bởi chúng có giá trị lớn về đa dạng sinh học, chứa nhiều hoạt chất có tác dụng chữa nhiều loại bệnh khác nhau.


Ảnh Trần Hải 

Hà Lan