Khám phá

Tiền điện tử sẽ được quản lý như thế nào?

Tiền điện tử có phải là tiền ảo không?

Tiền điện tử đã xuất hiện ở Việt Nam chưa? Tiền điện tử và tiền ảo có khác nhau không? Nó được pháp luật thừa nhận và điều chỉnh như thế nào? Đâu là những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện?

Theo Dự thảo Báo cáo về việc rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử, thì ở Việt Nam, khái niệm tiền điện tử đã xuất hiện và xâm nhập vào đời sống kinh tế – xã hội, tuy nhiên do chưa có định nghĩa cụ thể, rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật nên thường được hiểu lẫn sang khái niệm tiền ảo.

Tiền điện tử sẽ được quản lý như thế nào? ảnh 1Hóa đơn điện tử.

Trên thực tế, tiền điện tử có năm đặc tính cơ bản: được lưu trữ giá trị trên phương tiện điện tử; được thể hiện bằng quyền đòi nợ đối với tổ chức phát hành tiền điện tử; được phát hành trên cơ sở đối ứng với số tiền tổ chức phát hành nhận được, được sử dụng để thực hiện giao dịch thanh toán, được chấp nhận bởi thể nhân hoặc pháp nhân không phải là tổ chức phát hành tiền điện tử.

Tiền điện tử có đơn vị đo lường là đồng tiền truyền thống (như Euro, USD…) với địa vị tiền pháp định.

Trong khi đó, tiền ảo là một loại tiền kỹ thuật số, có đặc tính: phần lớn không được công nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp, các giao dịch chỉ được thực hiện bằng hình thức thỏa thuận trong nhóm cộng đồng người sử dụng tiền ảo, không được bảo chứng tại ngân hàng và không do ngân hàng phát hành, không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ khi xảy ra tranh chấp.

Đến nay, các văn bản pháp lý hiện hành liên quan đến tiền điện tử đang được quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) riêng lẻ hoặc gián tiếp đề cập tại một số luật.

Hiện cơ sở pháp lý điều chỉnh về tiền điện tử tại Việt Nam đã được quy định dưới dạng Thẻ trả trước ngân hàng hay Ví điện tử.

Thẻ trả trước ngân hàng được xác định là “thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi giá tiền được nạp vào thẻ tương ứng với số tiền đã trả trước cho tổ chức phát hành thẻ.

Thẻ trả trước ngân hàng được phân thành hai loại: Thẻ trả trước định danh (có các thông tin định danh chủ thẻ) và thẻ trả trước vô danh (không có các thông tin định danh của chủ thẻ).

Đến cuối năm 2017, thẻ trả trước đang lưu hành trên toàn quốc đến cuối năm 2017 đạt khoảng 7,99 triệu thẻ. Một dạng khác của tiền điện tử là Ví điện tử.

Ví điện tử cho phép lưu trữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tải khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử theo tỷ lệ 1:1 và được sử dụng làm phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Đến nay, 27 tổ chức đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó 24/27 tổ chức trung gian thanh toán hiện đang cung ứng dịch vụ Ví điện tử trên thị trường. Hiện có khoảng trên năm triệu Ví điện tử được phát hành và đây đang trở thành xu hướng thanh toán phổ biến.

Tiền điện tử có thể được quản lý như thế nào?

Bên cạnh hai hình thức biểu hiện của tiền điện tử là Thẻ trả trước ngân hàng và Ví điện tử, thực tế hiện nay một lượng lớn giá trị được lưu trữ trên các điện thoại di động của các chủ thuê bao.

Trường hợp sử dụng giá trị này để thanh toán hàng hóa, dịch vụ (thanh toán đa mục đích), xét theo những đặc tính của tiền điện tử thì loại hình này cần xem xét, quản lý như một hình thái biểu hiện của tiền điện tử.

NHNN cho rằng, đối với việc sử dụng các loại thẻ cào điện thoại của nhà mạng viễn thông, thẻ trò chơi trực tuyến (không phải phương tiện thanh toán theo pháp luật hiện hành)… sử dụng để thanh toán đa mục đích hoạt có thể quy đổi thành tiền mặt, tiềm ẩn những rủi ro phức tạp và ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính tiền tệ quốc gia.

Theo NHNN, cần thiết phải có biện pháp quản lý chặt chẽ các loại thẻ chỉ được thực hiện cho chính dịch vụ được cung cấp bởi nhà phát hành (thẻ thanh toán đơn mục đích) không để biến tướng thành thẻ đa mục đích sử dụng như một phương tiện thanh toán, hạn chế những rủi ro có thể xảy ra đối với tổ chức phát hành và khách hàng.

Nhìn nhận những hạn chế trong khuôn khổ pháp lý về tiền điện tử (văn bản QPPL về tiền điện tử hiện nay chưa theo kịp với sự thay đổi của thực tiễn và thông lệ quốc tế, cần làm rõ bản chất của tiền điện tử để xác định phạm vi và đối tượng chịu sự quản lý, việc quy định quản lý, giám sát cụ thể đối với hoạt động cung ứng phát hành tiền điện tử còn thiếu đồng bộ…);

Xuất phát từ sự phát triển của khoa học công nghệ và viễn thông, những tác động từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như nhu cầu thực tiễn tạo điều kiện cho những công ty công nghệ tài chính (fintech), NHNN cho rằng, cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý tiền điện tử một cách toàn diện và thống nhất.

Bên cạnh đó, cần xác định phạm vi và đối tượng cung ứng tiền điện tử để ban hành quy định quản lý phù hợp.

Đồng thời, cần quy định chặt chẽ các điều kiện đối với các tổ chức cung ứng, phát hành tiền điện tử…

NHNN đang dự kiến đề xuất xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP và Nghị định 80/2016NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, lộ trình ban hành phụ thuộc vào tiến độ của dự thảo Luật Đầu tư được Quốc hội thông qua, dự kiến trong năm 2018.

Theo Bách Nguyễn/phapluatplus.vn