Y học và đời sống

Tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm

Liệu pháp tiêm ngoài màng cứng là đưa thuốc tê và các thuốc chống viêm dạng steroid vào khoang ngoài màng cứng, từ đó thuốc ngấm trực tiếp vào rễ thần kinh bị chèn ép, đưa lại hiệu quả chống viêm, giảm đau cao nhất với liều thuốc thấp nhất.

Hỏi: Tôi bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng đang điêu trị nội khoa (kéo dãn cột sống và tiêm ngoài màng cứng). Xin hỏi, các biện pháp này có công dụng và biến chứng gì? Điều trị như thế nào cho hiệu quả?

Lê Thanh Hà (Hà Nội)

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/tiem-ngoai-mang-cung-405x228.jpg

Ảnh minh họa.

TS Nguyễn Văn Tuấn, Bệnh viện 103: Nếu thoát vị mức độ vừa phải thì tiến hành điều trị nội khoa cơ bản, chiếm 70 – 75% các trường hợp. Việc điều trị phải bài bản, kết hợp đồng thời 3 liệu pháp là kéo dãn cột sống thắt lưng, tiêm thuốc ngoài màng cứng và dùng các loại thuốc, biện pháp không dùng thuốc khác. Mục đích của kéo dãn cột sống thắt lưng nhằm kéo dãn khoảng liên đốt, làm giảm sự đè ép của cột sống lên đĩa đệm, tạo áp lực âm tại đĩa đệm bị thoát vị, từ đó đĩa đệm có thể tự co lại một phần.

Liệu pháp tiêm ngoài màng cứng là đưa thuốc tê và các thuốc chống viêm dạng steroid vào khoang ngoài màng cứng, từ đó thuốc ngấm trực tiếp vào rễ thần kinh bị chèn ép, đưa lại hiệu quả chống viêm, giảm đau cao nhất với liều thuốc thấp nhất. Kỹ thuật này đòi hỏi bác sĩ chuyên khoa có kỹ năng tốt, cần tránh các biến chứng như viêm màng não mủ, viêm tủy, choáng, đau đầu…

Các thuốc thường dùng điều trị thoát vị đĩa đệm là giảm đau non-steroid (diclophenac, meloxicalm, tenoxicam…), thuốc dãn cơ (mydocalm, myonal), thuốc tăng dẫn truyền thần kinh và bảo vệ sợi tế bào thần kinh, các vitamin nhóm B. Kết hợp thêm vật lý trị liệu như hồng ngoại, bó nến, điện phân và các biện pháp châm cứu, thủy châm, có tác dụng dãn cơ, tăng tuần hoàn tại chỗ.

Sự kết hợp tổng thể và hài hòa 3 liệu pháp điều trị trên sẽ mang lại hiệu quả phục hồi bệnh cao nhất, đạt hiệu quả tốt và khỏi bệnh đến 80 – 90%.

TN (ghi)