Doanh nghiệp

Thương vụ 115 triệu USD của T&T Group: Điểm sáng trên thị trường thức ăn chăn nuôi thời dịch Covid-19

  • Tác giả : Mai Thị
(khoahocdoisong.vn) - Trong khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hẹp quy mô hoạt động, kích hoạt chế độ ‘ngủ đông” do đại dịch Covid-19 thì T&T Group lại làm nóng thị trường thức ăn chăn nuôi (TĂCN) đang gặp khó với hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu sản xuất TĂCN từ Mỹ, trị giá 115 triệu USD.

2020 - năm khó khăn của thị trường TĂCN

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều nước đóng cửa biên giới, vận chuyển hàng hóa bị đình trệ, khiến nguồn cung nguyên liệu sản xuất TĂCN trong nước bị sụt giảm. Mới đây, một số doanh nghiệp TĂCN đã phát đi thông báo điều chỉnh tăng giá bán các sản phẩm cho gia cầm, lợn với mức tăng từ 200 - 350đ/kg do biến động về giá nguyên liệu sản xuất TĂCN và giá nhập khẩu TĂCN. Cụ thể, Công ty Dinh dưỡng vật nuôi Việt Nam (Nam Định) thông báo điều chỉnh tăng giá cám đậm đặc và cám cá lên 200 đồng/kg; thức ăn hỗn hợp cho lợn thịt tăng 250đ/kg; thức ăn hỗn hợp gia cầm (vịt, gà) và hỗn hợp nái chửa, đẻ có mức tăng cao nhất là 350đ/kg. Mức tăng này áp dụng từ ngày 24/2.

Ông Mai Thanh Diệu, Giám đốc Công ty Dinh dưỡng vật nuôi Việt Nam cho biết, công ty ông đang phải chịu giá nguyên liệu đầu vào cao như ngô, khô đậu tương, bã ngô... Theo đó, giá nhập khẩu về qua các nhà phân phối đều tăng từ 500 - 1.000đ/kg. Theo ông Diệu, không chỉ các doanh nghiệp sản xuất TĂCN tại Việt Nam gặp khó mà nhiều doanh nghiệp trên thế giới cũng đau đầu vấn đề này.

Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam cho biết, 2020 sẽ là năm khó khăn của ngành sản xuất TĂCN, nhiều nhà máy buộc phải đóng cửa hoặc giảm mạnh công suất hoạt động. Doanh nghiệp sản xuất TĂCN trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ lẻ bị ảnh hưởng nặng nề. Các tập đoàn lớn, trong đó có doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài cũng gặp khó khăn nhưng vẫn tồn tại được vì đã xây dựng được chuỗi liên kết từ khâu đầu của quy trình sản xuất đến người tiêu dùng.

Cũng theo ông Bình, nguyên liệu sản xuất TĂCN hiện nay đa phần đều từ nguồn nhập khẩu. Với cây ngô - một trong các nguyên liệu chính của TĂCN, thời gian trước Việt Nam trồng nhiều nhưng vài năm trở lại đây cũng giảm mạnh về diện tích vì ngô trong nước khó cạnh tranh lại hàng nhập khẩu về chất lượng cũng như giá thành.

Với ngành thịt lợn, hậu quả của dịch tả lợn châu Phi từ năm 2019 chưa chấm dứt lại bị bồi thêm dịch Covid-19 những tháng đầu năm 2020 tác động xấu đến nguồn cung TĂCN khiến giá thịt lợn tăng cao. Thủ tướng Chính phủ đã buộc phải yêu cầu các hộ kinh doanh giảm giá bán thịt lớn về đúng giá thị trường, nếu không sẽ tăng lượng nhập khẩu thịt lợn để có đủ nguồn cung trong nước.

Bộ trưởng NNPT&NT Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, Bộ đã yêu cầu 17 doanh nghiệp lớn “dẫn dắt” ngành chăn nuôi phải đưa giá lợn hơi về mức 70.000đ/kg nhằm bảo vệ thị trường phát triển bền vững.

Do những tác động của dịch Covid-19, năm 2020 được dự báo sẽ là năm khó khăn của thị trường TĂCN (ảnh minh họa).

Do những tác động của dịch Covid-19, năm 2020 được dự báo sẽ là năm khó khăn của thị trường TĂCN (ảnh minh họa).

Hợp đồng triệu đô giải “cơn khát” ngành TĂCN

Trong hoàn cảnh các doanh nghiệp phải thắt lưng buộc bụng để hạn chế chi phí thì Tập đoàn T&T Group của bầu Hiển đã ký hợp đồng lớn nhập khẩu nguyên liệu nông sản Mỹ, với phần lớn là TACN, trị giá 115 triệu USD. Ngay sau khi ký hợp đồng, 48.000 tấn nguyên liệu TĂCN trị giá 13 triệu USD sẽ được giao cho T&T Group trước ngày 10/4/2020. Số hàng còn lại sẽ được giao trước 31/12/2020.

Việc T&T Group tham gia giải quyết bài toán về nguồn nguyên liệu TĂCN và các sản phẩm TĂCN, bên cạnh việc góp phần ổn định giá gia súc gia cầm trên thị trường còn tác động tích cực đến sự phát triển của nền kinh tế và góp phần mang đến sự cân bằng về giá thực phẩm trong hoàn cảnh dịch bệnh như hiện nay.

Đại diện Tập đoàn T&T Group cho biết, sau khi nguồn nguyên liệu TĂCN về đến Việt Nam trong tháng 4, đơn vị này sẽ sớm đưa cung cứng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. “Với nguồn nguyên liệu TĂCN chất lượng từ Mỹ, chúng tôi hy vọng góp phần bình ổn giá, đáp ứng phần nào nhu cầu của thị trường, qua đó, hỗ trợ các hộ nông dân và các doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch này”, đại diện T&T Group cho biết thêm.

Việt Nam là nước nông nghiệp, nhu cầu tiêu thụ TĂCN là rất lớn. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu sản xuất TĂCN trong nước từ lâu đã không đáp ứng đủ để sản xuất TĂCN. Đa phần, nguyên liệu sản xuất TĂCN lâu nay đều phải nhập khầu từ nước ngoài do chất lượng và nguồn cung dồi dào hơn.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, nhập khẩu nguyên liệu và TĂCN trong tháng 2/2020 đạt 271 triệu USD, tăng 22,44% so với tháng trước đó và tăng 12,13% so với cùng tháng năm ngoái. Các thị trường chính cung cấp nguyên liệu và TĂCN cho Việt Nam trong tháng 2/2020 vẫn là Argentina, Mỹ, Trung Quốc và Thái Lan... Tính chung, trong 2 tháng đầu năm 2020 Việt Nam đã chi hơn 494 triệu USD nhập khẩu nguyên liệu và TĂCN.

Việc Tập đoàn T&T Group ký hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu sản xuất TĂCN đúng vào thời điểm thị trường đang thiếu hụt có thể ví như “nắng hạn gặp mưa rào”, phần nào giải tỏa cơn khát thị trường TĂCN trong nước. Thương vụ mua bán này của T&T Group một lần nữa ghi dấu ấn của T&T Group trong lĩnh vực nông nghiệp sau các thương vụ đình đám nhập khẩu điều thô từ thị trường châu Phi năm ngoái.

Mai Thị