Sức khỏe mới

Thưởng tiền sinh con thứ hai: Vì sao người Việt ngại… đẻ?

  • Tác giả : Thúy Nga
Các chuyên gia nhận định, giải pháp khuyến khích bằng cách thưởng tiền cho người sinh con thứ hai không tạo được “cú hích”. Để dân số phát triển chất lượng cần có bước đột phá.

Dự thảo luật dân số do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo đang lấy ý kiến thưởng 2 lần mức lương tối thiểu cho phụ nữ sinh con thứ 2 ở 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp. Điều này liệu có khả thi?

Không thay đổi được quan niệm của giới trẻ

Trao đổi với phóng viên Khoa học và Đời sống về vấn đề này, chuyên gia Tâm lý Lê Thị Túy, nguyên Thư ký Ủy ban Dân số kế hoạch hóa gia đình, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Thanh niên khẳng định, giới trẻ thời nay không muốn sinh con do nguyên nhân kinh tế chỉ chiếm một phần rất nhỏ và không phải là yếu tố quyết định.

Hơn nữa, hiện áp lực của gia đình bắt con cái sinh con để chăm sóc khi về già cũng giảm mạnh. Do con cái không thể chăm sóc được hoặc do không muốn làm phiền, nhiều người già đã bán hết nhà cửa để vào trại dưỡng lão sống.

Nhật Bản cũng có nhiều chính sách khuyến khích, nhưng một bộ phận lớn giới trẻ ở Nhật vẫn không chịu lấy chống, lấy vợ và sinh con.

Tìm hiểu nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước ở Bắc Âu thì thấy không cần có chính sách khuyến khích cụ thể. Ở mức sống cao người dân có thể tự do sinh nhiều con hoặc không sinh con theo nhu cầu của cá nhân. Dân số ít, nhưng chất lượng dân số cao mới là yếu tố chính.

ngai-de.jpg
Thưởng tiền sinh con thứ hai: Vì sao người Việt ngại… đẻ?

Tương tự, GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, với mức khuyến khích khoảng 9 triệu đồng được đưa ra, thậm chí vài ba chục triệu đồng là không thấm vào đâu so với chi phí và yêu cầu để nuôi dạy 1 đứa trẻ trưởng thành khỏe mạnh, trí tuệ, chất lượng cao như người ta khát vọng trong xã hội hiện nay.

Vì vậy, giải pháp thưởng tiền này chỉ mang ý nghĩa khuyến khích về tinh thần, nhiều hơn về kinh tế và nó ít hiệu quả, không phải là “cú hích” mạnh để đẩy mức sinh lên.

Cần điều tra tâm lý và xu thế của giới trẻ

Việt Nam đã bắt đầu bước vào thời kỳ dân số già hóa nhanh chóng và nguy cơ cao là già trước khi giàu. Theo bà Túy, để giải bài toán này cần phải tính yếu tố vĩ mô: Tương lai trong nước phát triển đến đâu? Công nghệ số phát triển như thế nào? Cần lao động tới mức nào? Chất lượng lao động ra sao...? Phải có tính toán và điều tra dài hạn để đưa ra kết quả định lượng chứ không thể dựa trên định tính: Già hóa dân số, thiếu lao động như hiện nay.

Cần điều tra tâm lý và xu thế của giới trẻ về sinh đẻ và ảnh hưởng của xu thế đến gia đình, xã hội...: Người thích đẻ nhiều, người đẻ đủ và người không thích đẻ... để có chính sách cho phù hợp với từng vùng và các khu vực đặc thù.

Bà Túy đánh giá, chất lượng dân số phụ thuộc vào nhiều mặt: Phát triển kinh tế, văn hóa, truyền thống... Vì vậy, y tế, giáo dục cũng phải phát triển mới tạo ra được thế hệ có chất lượng dân số cao.

GS.TS Nguyễn Đình Cử nhấn mạnh, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về nhà ở, giáo dục, y tế... cho người sinh con. Thời gian nghỉ sinh con cũng cần tăng lên theo trình độ phát triển của xã hội. Thời gian nghỉ 1 năm là tốt nhất để bà mẹ có đủ điều kiện chăm sóc con. Hơn nữa, cần phát triển hệ thống dịch vụ trong gia đình để gia đình nhất là bà mẹ bớt gánh nặng.

Đặc biệt, phụ nữ hiện đại cũng đi làm, kiếm tiền, chăm lo cuộc sống gia đình... nên thêm con họ sẽ vất vả hơn nhiều. Vì vậy, cần truyền thông thúc đẩy sự tham gia của nam giới chia sẻ với phụ nữ công việc gia đình, chăm sóc con cái, để người phụ nữ cảm thấy bớt gánh nặng và muốn sinh con.

Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, thực tế ở các nước có trình độ phát triển cao, tiềm lực kinh tế lớn, họ thực hiện mọi biện pháp thúc đẩy mức sinh như Nhật Bản, Hàn Quốc thì cũng không vực dậy được mức sinh lên.

GS.TS Nguyễn Đình Cử phân tích, nuôi một đứa con trưởng thành rất vất vả. Lớn lên con có thể ra nước ngoài sống cuộc sống của mình thì bố mẹ cũng không có người chăm sóc. Trường hợp xấu không may đứa trẻ không vượt qua được các thói hư, tật xấu của xã hội... thì cha mẹ lại thêm gánh nặng lúc tuổi già... Vì vậy, việc mong chờ dựa vào con cái lúc tuổi già theo quan niệm cũ đang dần được xóa bỏ. Xu hướng sinh ít con, không sinh con tạo tiềm lực kinh tế cho bản thân khi tuổi già đang là xu hướng mà nhiều người hướng tới.

Thúy Nga