Chị Nguyễn Thị Hằng (Hà Nội) vẫn nghĩ lấy ráy tai hằng ngày là một biện pháp vệ sinh thân thể và ngày nào chị cũng ngoáy tai cho con. Gần đây, thấy con nghe kém, tai lại có mùi hôi, đưa con đi khám thì được chẩn đoán nhiễm trùng tai, thủng màng nhĩ. Bác sĩ cho biết, chính thói quen lấy ráy tai hằng ngày là một trong các tác nhân gây tổn thương tai.
Lời bàn: BS Trần Thu Thủy, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, không ít trường hợp trẻ bị thủng màng nhĩ do cha mẹ quá nhiệt tình lấy tăm bông ngoáy tai, hoặc do bé tò mò, dùng tăm bông thọc vào tai mình như cách mẹ vẫn làm. Ráy tai là hỗn hợp hòa tan trong nước của da chết, lông và chất tiết từ các tuyến nhầy ở ống tai. Ráy tai chỉ được hình thành ở 1/3 ngoài của ống tai, phần sâu bên trong gần với màng nhĩ không sản sinh chất này.
Ráy tai giúp điều hòa pH, diệt khuẩn, diệt nấm và bảo vệ lớp lót nhạy cảm của ống tai khỏi tác động của nước. Đây là một phần cơ chế tự bảo vệ của tai, giúp làm sạch, ngăn không cho bụi và vi khuẩn từ môi trường đi sâu vào bên trong tai, gây tổn thương hoặc nhiễm trùng màng nhĩ. Sự tích tụ của ráy tai không hề gây nhiễm trùng tai như nhiều người thường nghĩ. Trái lại, thiếu các thành phần bôi trơn và diệt khuẩn của ráy tai, tai có thể bị khô và ngứa.
Trong đa số trường hợp, ống tai ngoài sẽ tự làm sạch. Nhờ động tác nhai và chuyển động của hàm, ráy tai cũ và các tế bào da chết liên tục di chuyển từ phía màng nhĩ tới lỗ tai ngoài. Chúng khô dần và rơi ra ngoài. Vì vậy, không cần phải làm vệ sinh ống tai.