Y học và đời sống

Thực phẩm selen giúp thải độc, ngừa ung thư

Selen (Se) là một trong những khoáng chất vi lượng thiết yếu có tác dụng loại bỏ kim loại độc, bảo vệ hồng cầu, chống bệnh tim mạch, ung thư… Tuy nhiên, thừa Se cũng gây hại. Vậy phải bổ sung thế nào?

Loại bỏ chất độc trong cơ thể

PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, nhu cầu Se của cơ thể rất nhỏ nhưng vô cùng cần thiết và không thể thiếu. Cơ thể người có từ 3 – 15mg Se, thường tập trung ở lớp vỏ thượng thận, ở gan, tuyến giáp và các cơ bao quanh xương.

Nó có tính chất chống oxy hóa, nhưng nổi bật nhất lại là tính kháng độc. Mỗi khi phát hiện được một số chất độc trong cơ thể như thủy ngân, Se sáp lại gần, dính chặt mình vào chất đó rồi đưa tới thận để cơ quan này lọc bỏ và thải chất thủy ngân ra ngoài theo nước tiểu.

Bằng cách này, Se luôn sẵn sàng giúp cơ thể loại bỏ các kim loại nặng, có tính độc hại như thủy ngân, cadimi, chì, asen… và các chất độc khác.

Một vai trò quan trọng khác của Se là việc cùng kết hợp với enzym GPX (hệ thống enzym có tác dụng chống lại những tổn hại gây nên bởi quá trình oxy hoá) để vô hiệu hóa chất H2O2, ngăn việc tạo thành các gốc tự do gây ra các hiện tượng dị ứng và viêm của cơ thể.

Ngoài ra, Se còn giúp cho máu dễ lưu thông, tránh được các bệnh về tim mạch, ung thư… Nghiên cứu gần đây chứng minh, Se là nhân tố kích thích sự hoạt động của hormon tuyến giáp. Thiếu selen thường dẫn đến thiếu cả Iốt, do đó selen cần phải được cung cấp đầy đủ để phòng bệnh tuyến giáp, đặc biệt là cung cấp đầy đủ cho trẻ em.

Hơn nữa, selen còn đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch. Việc thiếu selen trong chế độ ăn lâu dài sẽ làm tăng nguy cơ suy giảm miễn dịch, viêm khớp, hen suyễn, đục thủy tinh thể…

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/thuc-pham-giau-selen1.jpg

Chọn thực phẩm tự nhiên giàu Se tốt cho sức khoẻ.

Cơ thể khoẻ mạnh với Se tự nhiên

Hằng ngày, cơ thể chúng ta cần khoảng 0,05 – 0,10mg Se. Ruột hấp thụ mỗi ngày 40 – 80µg Se từ các thức ăn. Se có nguồn gốc sinh vật có thể được tá tràng hấp thụ hoàn toàn, còn Se có nguồn gốc hóa chất (dược phẩm) chỉ được hấp thụ khoảng 60%.

Sự hấp thụ Se sẽ dễ dàng hơn nếu có thêm vitamin A, E, C. Lượng Se không được hấp thụ sẽ bị thải ra theo nước tiểu và phân, một số ít theo hơi thở.

Theo PGS.TS Trần Đáng, đối với những người khoẻ mạnh và có một chế độ ăn uống cân bằng sẽ nhận được đầy đủ Se cho cơ thể. Nhưng ở những người hút thuốc lá, uống rượu, dùng thuốc ngừa thai… thì lượng Se trong cơ thể có thể bị hạ thấp.

Một số bệnh cũng có thể gây cản trở sự hấp thụ Se như: bệnh Crohn, bệnh viêm loét đại tràng, người mới phẫu thuật… Sự thiếu Se của cơ thể thường dẫn tới các bệnh về tim mạch. Các tế bào thiếu sự bảo vệ sẽ mau bị oxy hóa (kể cả huyết cầu), làm cho cơ thể chóng già.

Việc dùng các thuốc có Se với liều lượng cao (10 – 20 lần liều bình thường), trong thời gian lâu dài làm cơ thể dư thừa Se. Các đối tượng này thường gặp triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, rụng tóc, móng tay trắng vết, hơi thở có mùi tỏi, mệt mỏi, khó chịu, và tổn thương thần kinh nhẹ….nặng hơn có thể dẫn đến ngộ độc.

Do đó, nếu không có chỉ định của bác sĩ thì không nên bổ sung Se bằng đường thuốc mà nên sử dụng các loại thực phẩm tự nhiên có nguồn Se tốt.

Se gắn với các protein có trong thịt cá, các loại hải sản (cá thu, cá ngừ, cá cơm, cá trích, cá chỉ vàng, cá hồi, cá mòi…; hàu, sò điệp, tôm hùm…), trứng và các hạt ngũ cốc nguyên hạt (hạt hướng dương, quả hạch, men bia, mầm lúa…). Tuy nhiên, Se dễ bị phá hủy khi thực phẩm được tinh chế hoặc chế biến, do đó, tốt nhất là ăn nhiều loại thực phẩm thô.

Theo PGS.TS Trần Đáng, Se là nguyên tố bảo vệ hồng cầu, chống bệnh tim mạch, bệnh ung thư, chống lại sự lão hóa giống như tác dụng của vitamin E và vitamin A nên cần cho người già, người sống trong môi trường ô nhiễm, người đeo răng giả hoặc trám răng (vì chất trám hoặc làm răng giả có thể gây độc), người nghiện rượu, người có bệnh viêm, bệnh suy gan, thận và một số bệnh về cơ bắp.

Nhu cầu Se tùy theo lứa tuổi: Trẻ sơ sinh cần 15µg/ngày; Từ 1 -3 tuổi 20µg; Từ 4 – 9 tuổi 30µg; Từ 10 – 12 tuổi 40µg; Từ 13 – 19 tuổi 55 – 60µg; Người lớn (nữ) 55µg; Người lớn nam 70µg; Phụ nữ mang thai 65µg; Phụ nữ cho con bú 75µg; Người cao tuổi 70µg.

Nhật Hà