Dữ liệu y khoa

Thông cửa chủ trong gan cứu bệnh nhân xơ gan vỡ tĩnh mạch

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Bị xuất huyết tiêu hóa mức độ nặng do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản và tĩnh mạch phình vị dạ dày sau cấp cứu 3 ngày và truyền 10 đơn vị máu bệnh nhân vẫn nguy kịch, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã phải đặt stent thông cửa chủ trong gan mới cứu sống được người bệnh.

Vỡ tĩnh mạch chưa đến bệnh viện đã có thể tử vong

Ông Hà Văn C. (63 tuổi ở Tân Sơn, Phú Thọ) được ra đình đưa đến viện cấp cứu trong tình trạng nôn ra máu, đi ngoài phân đen số lượng nhiều, huyết áp tụt, da xanh tái. Ông được chẩn đoán "xuất huyết tiêu hóa mức độ nặng do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản và tĩnh mạch phình vị dạ dày".

Ông được điều trị tại Đơn vị Hồi sức cấp cứu trong 3 ngày sau đó đột ngột xuất hiện nôn ra máu với số lượng nhiều do búi giãn tĩnh mạch vỡ lại. Tình trạng nặng, huyết áp tụt xuống 50/30mmHg. Các bác sĩ đã tiến hành hồi sức, truyền dịch, truyền máu cấp cứu. Lượng máu được truyền vào tổng cộng là 10 đơn vị máu nhưng huyết áp chỉ lên được mức 80mmHg, tiên lượng rất xấu.

Hội chẩn khẩn trương, kịp thời giữa các bác sĩ Đơn vị Hồi sức cấp cứu và Khoa Chẩn đoán hình ảnh đã quyết định làm thủ thuật can thiệp tạo luồng thông Cửa - Chủ trong gan qua đường tĩnh mạch cảnh (TIPS). Sau hơn 1 giờ, êkíp can thiệp của Khoa Chẩn đoán hình ảnh đã cầm máu thành công và đặt Stent tạo đường thông Cửa - Chủ tốt.

Sau can thiệp người bệnh ổn định, huyết áp trở về bình thường, huyết động cải thiện và người bệnh ăn uống tốt và được xuất viện. Sau thời gian theo dõi gần 4 tháng, người bệnh đã hoàn toàn khỏe mạnh, ăn uống tốt và không bị xuất huyết tiêu hóa tái phát nữa.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thăm hỏi bệnh nhân sau cơn nguy kịch.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thăm hỏi bệnh nhân sau cơn nguy kịch.

BS Trần Quang Lục - Bác sĩ trực tiếp can thiệp cho người bệnh cho biết, xuất huyết tiêu hóa do vỡ búi giãn tĩnh mạch thực quản, tĩnh mạch dạ dày là biến chứng nặng của xơ gan. Bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao, có thể lên đến 30 - 50%, có nhiều người bệnh bị nôn ra máu còn chưa kịp đến bệnh viện đã tử vong, thậm chí vào bệnh viện rồi, được truyền rất nhiều máu và điều trị bằng nội soi cũng không qua khỏi do không thể cầm được máu.

Trường hợp bệnh nhân C. diễn biến rất nặng, đã bị shock mất máu, các bác sĩ đã vừa tiến hành can thiệp cấp cứu vừa hồi sức để nâng huyết áp. Theo BS Trần Quang Lục, đối với người bệnh này, nếu không có kỹ thuật TIPS can thiệp sớm thì nguy cơ tử vong rất cao.

Bệnh phổ biến dễ tái phát

Các chuyên gia cho biết, xơ gan là một trong những bệnh lý rất phổ biến hiện nay với các biến chứng thường gặp như vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, cổ trướng, nhiễm khuẩn màng bụng tiên phát, hội chứng gan thận, bệnh não gan...

Với giãn tĩnh mạch thực quản, có nhiều mức độ tổn thương, thường được phát hiện khi có chảy máu đường tiêu hóa, hoặc qua nội soi dạ dày ống mềm. Phần lớn bệnh nhân đến viện trong tình trạng chảy máu đường tiêu hóa nặng, thậm chí đe dọa sinh mạng người bệnh nếu không được xử lý kịp thời.

Đặt stent TIPS.

Đặt stent TIPS.

Nguyên nhân xơ gan gây vỡ, giãn tĩnh mạch thực quản là do gan là cơ quan trữ máu, điều hòa hoạt động của tim, làm giảm áp trong tĩnh mạch chủ dưới mỗi khi áp lực đó lên cao. Nhưng mao mạch gan lại gây một trở lực lớn cho tuần hoàn gan, cho nên áp lực tĩnh mạch cửa bình thường cao hơn áp lực ở tất cả các tĩnh mạch khác. Nguyên nhân gây tăng áp lực tĩnh mạch do xơ gan là vì hệ thống tĩnh mạch cửa bị tắc ở một đoạn nào đó trước xoang hay sau xoang, do luồng máu đến nhiều hoặc tăng áp tĩnh mạch cửa không rõ nguyên nhân...

Có đến 50% người mắc bệnh xơ gan bị giãn tĩnh mạch thực quản. Mỗi năm, số người bị giãn tĩnh mạch thực quản tăng khoảng 5 - 15%. Đặc biệt, khi giãn tĩnh mạch thực quản chuyển sang biến chứng nặng, tĩnh mạch thực quản sẽ bị vỡ. Nếu không đi kèm xơ gan, mức độ tử vong từ 5 - 10%. Nếu kèm theo xơ gan, tỷ lệ tử vong lên tới 40 - 70%.

Vì vậy, khi bệnh nhân nôn ra máu nghĩa là tĩnh mạch thực quản bị vỡ, phải nhanh chóng đưa đến bệnh viện để điều trị kịp thời. Nhiều trường hợp xuất huyết tiêu hóa đứng trước cửa tử đã được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ được điều trị thành công bằng phương pháp TIPS. Các bệnh nhân sau điều trị cho đến nay chưa bị xuất huyết tiêu hóa tái phát lần nào.

Phương pháp TIPS hay tạo luồng thông Cửa - Chủ trong gan qua đường tĩnh mạch cảnh là phương pháp can thiệp nội mạch, xâm lấn tối thiểu, không phải phẫu thuật, giúp giảm các biến chứng cũng như là hồi phục nhanh sau can thiệp. Là phương pháp có thể điều trị dự phòng chảy máu tiêu hóa hoặc điều trị cấp cứu chảy máu tiêu hóa do vỡ búi giãn tĩnh mạch thực quản, tĩnh mạch dạ dày mà điều trị nội khoa hoặc nội soi không hiệu quả, tức là người bệnh đã thắt tĩnh mạch thực quản nhiều lần mà vẫn chảy máu tái phát hoặc một số trường hợp không thể điều trị thắt tĩnh mạch bằng nội soi được. 

Thúy Nga