Lười chuyển số khi tăng tốc, vượt xe
Khi lái xe số sàn, bạn luôn phải thao tác với chân côn, chân ga và cần số.
Một số người có thói quen lười sang số. Ví dụ đi trên đường cao tốc, khi vòng tua xuống thấp mà muốn tăng tốc vượt xe khác, họ thường có thói quen lười về số. Thay vào đó lại đạp thốc ga để vượt.
Đây là thói quen không tốt khi vòng tua xuống thấp. Đạp mạnh chân ga khiến hệ thống phun nhiên liệu phun rất nhiều nhiên liệu vào buồng đốt.
Ở vòng tua thấp, một phần nhiên liệu không được đốt hết, làm máy quá tải, bị ì. Lặp đi lặp lại thói quen này sẽ gây nóng máy. Lâu dần làm hỏng các chi tiết máy, như xi lanh, piston, xéc măng. Do vậy khi muốn vượt xe khác, tốt nhất nên về số trước.
Tư thế tay trên cần số
Một thói quen phổ biến khi lái xe số sàn là để tay nghỉ trên cần số. Tuy nhiên, việc này có thể gây hư hại cho cần số và bánh răng. Do đó, chúng ta nên tránh để tay nghỉ trên cần số để đảm bảo sự hoạt động mượt mà và tránh các sự cố hỏng hóc không mong muốn.
Đạp côn trước khi đạp phanh
Những “tài mới” thường mắc phải thói quen này. Theo đó, do lo ngại xe bị tắt máy, nhiều người mới lái xe số sàn thường đạp côn trước khi đạp chân phanh. Việc đạp côn thường xuyên hơn mức cần thiết trước khi phanh dẫn đến ly hợp nhanh chóng bị mòn. Bên cạnh đó, thói quen này cũng đặc biệt nguy hiểm khi di chuyển ở tốc độ cao vì việc cắt côn trước sẽ làm mất đi lực phanh từ động cơ và tăng “gánh nặng” lên hệ thống phanh. Vì vậy, cách tốt nhất để giảm tốc độ ở xe số sàn là nhấn phanh trước. Khi xe gần dừng hoặc xe bắt đầu có hiện tượng giật cục thì từ từ đạp côn và chuyển sang số trung hòa.
Đạp côn giữ số khi dừng đèn đỏ
Nhiều người có thói quen đạp chân côn sang số 1 chờ khi đèn đỏ. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuổi thọ của xe. Ly hợp không cần thiết trong việc tham gia nhiệm vụ giữ cho xe đứng yên trong trường hợp này. Tốt hơn hết bạn nên đặt xe ở chế độ N để bảo vệ và duy trì tuổi thọ của ly hợp.
Đạp côn giữ xe khi đi đường đèo dốc
Thói quen này nhiều người thường mắc khi lái xe lên xuống dốc hầm để xe và khi đi đường dốc. Theo đó, khi lên, xuống dốc nhiều tài xế thường đạp chân côn và giữ ga/phanh, điều này dễ làm bộ ly hợp nhanh chóng bị hao mòn. Vì vậy, nên phối hợp nhịp nhàng giữa thao tác côn ra, ga vào khi đi đường dốc. Trường hợp lái xe chưa thuần thục thao tác này nên kéo phanh tay và từ từ xử lý cho xe lên dốc.