Lười vận động
Việc ít vận động hoặc ngồi lâu một chỗ sẽ làm tăng chỉ số "kháng insulin". "Kháng insulin" là tình trạng khi các mô không thể đáp ứng đúng lượng insulin mà cơ thể tiết ra. Điều này làm tăng lượng đường trong máu và áp lực lên tác động insulin, dẫn đến việc tế bào tụy hoạt động quá tải và suy giảm chức năng. Đây cũng chính là cơ chế chính cho sự phát triển của bệnh tiểu đường tuýp 2.
Thức khuya, mất ngủ
Thức khuya và mất ngủ sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe tụy và dẫn đến bệnh tiểu đường. Khi cơ thể thiếu ngủ hoặc thức khuya thường xuyên, việc tiết insulin trong tuyến tụy sẽ bị gián đoạn, làm tăng hàm lượng chất béo tích tụ trong cơ thể. Do đó cơ thể sẽ cảm thấy đói và thèm ăn nhiều hơn, dẫn tới tăng cân và béo phì, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người ngủ ít hơn 5 giờ mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao gấp đôi so với những người ngủ đủ 7-8 giờ. Đó là vì đồng hồ sinh học của cơ thể bị rối loạn, làm tăng hàm lượng hormone cortisol gây stress. Đồng thời loại hormone này còn ảnh hưởng đến quá trình cân bằng glucose trong cơ thể.
Uống ít nước
Nước rất quan trọng đối với các chức năng của gan và thận để thải các chất độc ra ngoài. Nếu cơ thể bạn không được cung cấp đủ nước sẽ không thể hoạt động bình thường, kết quả là lượng đường trong máu của bạn có thể tăng lên.
Uống ít nhất 02 lít nước mỗi ngày có rất nhiều lợi ích. Một trong số đó là bạn đã giảm nguy cơ lượng đường trong máu cao. Nếu uống ít nhất 8 cốc nước mỗi ngày sẽ giảm được 21% nguy cơ tăng đường huyết.
Hay bị căng thẳng, stress kéo dài
Trong cuộc sống hàng ngày, khó tránh khỏi sự căng thẳng nhưng nếu để căng thẳng hay stress kéo dài sẽ làm phát sinh bệnh tiểu đường. Cơ thể bị căng thẳng kéo dài sẽ tiết ra nhiều loại hormone căng thẳng làm thay đổi lượng đường trong máu.
Các chuyên gia y tế cho biết, những người bị căng thẳng hay stress có xu hướng lười chăm sóc bản thân, ăn những thực phẩm không lành mạnh và giữ những thói quen không lành mạnh như hút thuốc, uống nhiều bia rượu, ăn nhiều thức ăn nhanh… ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của các cơ quan trong cơ thể.
Một cách để giảm bớt căng thẳng hay stress là tích cực kết nối xã hội và bạn bè, thử các bài tập thiền định, yoga và tâm lý trị liệu.
Bỏ bữa ăn sáng
Thói quen bỏ bữa sáng sẽ tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường. Khi chúng ta không ăn bữa sáng sẽ làm gián đoạn các chức năng của insulin trong cơ thể. Điều này có thể khiến lượng đường trong máu thất thường và cũng có thể gây ra sự suy giảm chức năng của tế bào beta tuyến tụy - là tuyến nội tiết quan trọng giúp biến glucose thành năng lượng.
Một nghiên cứu trên tạp chí Diabetes Care đã chỉ ra rằng những người mắc bệnh tiểu đường, những người thích ăn bữa sáng và ăn ít bữa tối đã giảm lượng đường trong máu của họ xuống 20% so với những người ăn sáng nhẹ và ăn tối nhiều.
Lựa chọn thực phẩm không phù hợp
Những người bị bệnh tiểu đường nên hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm nhiều đường, như nước ép trái cây, soda, kẹo cứng hoặc chỉ ăn những loại thực phẩm này khi đang bị hạ đường huyết.
Những loại thực phẩm nhiều đường hoặc nhiều carbohydrate tinh chế có thể làm tăng đường huyết của bạn lên rất nhanh, những loại thực phẩm này cũng sẽ không phù hợp với liều insulin của bạn. Vì liều insulin chỉ dựa vào các bữa chính hoặc dựa vào lượng carbohydrate tối thiểu mà bạn tiêu thụ trong ngày. Thay vào đó, hãy lựa chọn các loại thực phẩm giàu chất xơ, chứa ít carbohydrate chế biến sẵn, như trái cây tươi, rau xanh, các loại đậu và ngũ cốc, đồng thời cân bằng bữa ăn với các loại thịt nạc và chất béo tốt cho sức khỏe để duy trì lượng đường huyết ổn định.