Khoa học & Công nghệ

Thịt gia cầm nuôi trùn quế không đảm bảo ngon, bổ

Các chuyên gia cho rằng, thức ăn trùn quế là một nguồn bổ sung protein, trong khi thịt gia cầm muốn ngon, nhiều dinh dưỡng thì phải đảm bảo nhiều yếu tố khác.

Không có gì đặc biệt!

Trên thị trường hiện có nhiều thông tin quảng cáo bán gia cầm như gà, vịt, lợn nuôi bằng trùn quế, chất lượng thịt ngon, thơm hơn thịt gia cầm thường. Qua tham khảo của KH&ĐS, 1kg thịt gà nuôi trùn quế có giá dao động khoảng hơn 200.000đ, thịt lợn có giá 250.000đ, xúc xích được làm từ thịt lợn loại này có giá khoảng 220.000đ.

Theo nhận định của nhiều bà nội trợ, giá này dao động từ mức ngang đến cao hơn với các loại thực phẩm sạch có rõ nguồn gốc, nuôi hữu cơ. Nhưng việc chứng minh được sản phẩm nuôi có đảm bảo hay ngon, nhiều chất dinh dưỡng hơn thì tùy vào người thưởng thức.

Trao đổi về việc nuôi gia cầm bằng trùn quế, TS Phan Lê Sơn, Trưởng Bộ môn Thức ăn, Viện Chăn nuôi cho rằng, thông tin nuôi gia cầm bằng phân trùn quế sẽ cho thịt ngon, nhiều chất hơn là lời nói qua cảm quan và quy luật tự nhiên như cách nói của người nông dân xưa. Còn trên thực tế muốn chứng minh thì cần có khoa học để làm rõ thông qua các nghiên cứu.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/thit-ga-cam-nuoi-trun-que-khong-dam-bao-ngon-bo1.jpg

Ảnh minh họa.

Cụ thể, thức ăn từ trùn quế sẽ giúp bổ sung thêm protein, thay thế một số thực phẩm phải cho gia cầm ăn trước đó như bột cá, xương… Khi bổ sung đủ protein gà sẽ khoẻ. Nhưng để đảm bảo chất dinh dưỡng thì trùn quế chưa đủ, mà cần nhiều loại thức ăn khác như chất xơ, khoáng… để gà đủ chất.

Còn TS Trần Thị Mai Phương, nguyên Trưởng Bộ môn Chế biến, Bảo quản và An toàn thực phẩm, Viện Chăn nuôi cho hay, nuôi gia súc gia cầm bằng trùn quế không có gì đặc biệt. Đây chỉ là nguồn thực ăn bổ sung chất đạm, thay thế cho các loại đạm động vật khác. Do đó, bảo gia súc gia cầm ăn trùn quế sẽ ngon và bổ hơn là chưa chính xác.

Nuôi trùn quế không phải là dễ và giá cả để tính vào thức ăn không hề rẻ. Bởi nuôi trùn quế rất tốn kém chi phí nếu không chủ động được nguồn thức ăn cho chúng. Ví dụ, thức ăn của trùn là phân trâu bò, lợn… nếu không đảm bảo được giá có thể đội lên nhiều lần.

Do đó, gia cầm nuôi cách này cũng có thể đội giá lên so với thị trường, trong khi thực sự hàm lượng các chất trong gia cầm chưa được chứng minh. Nếu nói ngon thì cũng chỉ là cảm quan của người dùng.

TS Phan Lê Sơn

Thay thế đạm động vật bằng đạm thực vật

TS Trần Thị Mai Phương cũng cho biết thêm, thức ăn cho gia súc gia cầm từ trùn quế có từ lâu, thậm chí cả chục năm nay, có thể đến nay do các cách thức quảng cáo nên mới rầm rộ lên như thế.

Nhưng thực tế nhiều nước trên thế giới đã và đang cấm sử dụng protein động vật để làm thức ăn chăn nuôi. Hiện nước ta chưa cấm, nhưng nếu tránh được cũng sẽ tốt.

Bởi khi gia cầm ăn protein từ động vật, trong đó bao gồm trùn quế, bột xương, bột cá… sẽ tiêu hóa khó. Đồng thời, tăng các bệnh lý lây nhiễm từ động vật sang động vật. Ví dụ như bệnh bò điên cũng xuất phát từ thức ăn từ protein động vật là bột xương…

Thay vào đó, xu hướng bây giờ là thay thế bằng protein thực vật như bột đỗ tương, rau xanh… Các nguồn protein này vẫn đảm bảo sự phát triển cho gia cầm nhưng hạn chế được bệnh tật, thịt khi xuất sẽ tốt cho con người.

Hiền Dung