KINH TẾ

Thiếu sức cạnh tranh, ngành nhiệt điện gặp khó trong năm 2021?

  • Tác giả : Hoàng Minh
(khoahocdoisong.vn) - Nhu cầu tiêu thụ điện yếu do dịch Covid-19 và công suất điện mặt trời tăng đột biến trong thời gian gần đây, cộng với điều kiện thủy văn thuận lợi khiến cho hiệu suất hoạt động tại các nhà máy nhiệt điện giảm.

Theo SSI Research, sản lượng huy động và hiệu suất hoạt động của nhà máy nhiệt điện trong năm 2021 sẽ thấp hơn so với năm trước. Kèm với đó, tỷ lệ sản lượng theo hợp đồng cũng sẽ giảm do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ưu tiên huy động nguồn thuỷ điện.

Ngoài ra, giá nguyên liệu đầu vào như khí, than tăng giá cũng tạo áp lực lên tăng trưởng lợi nhuận của ngành nhiệt điện.

Hiện, giá dầu nhiên liệu (FO), đại diện cho giá khí (46% FO) đã tăng bình quân 58% so với cùng kỳ từ đầu năm 2021.

Chiếm một nửa trong tổng lượng than tiêu thụ cả nước là than nhập khẩu, chủ yếu từ Indonesia và Australia. Trong khi đó, giá than trong khu vực từ những quốc gia này đang tăng cao.

Tính bình quân từ đầu 2021 đến nay, giá than giao ngay của Australia loại 6.000kcal/kg và giá than Indonesia loại 6.322kcal/kg lần lượt tăng 35% và 26% so với cùng kỳ.

Vì vậy, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin - TKV) phải nâng giá bán than trong nước cho các nhà máy nhiệt điện trong nước.

Theo đó, giá vốn sản xuất nhiệt điện chắc chắn sẽ tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ngoài ra, các nhà máy điện than sẽ phải đối mặt với áp lực vốn đầu tư lớn khoảng 1.800 - 2.000 tỷ đồng cho các dự án môi trường.

Nhiều nhà máy cho biết, chi phí đầu tư này sẽ được thông qua giá Hợp đồng mua bán điện (PPA) dựa trên Thông tư 57/2020. Tuy nhiên, đối với một số nhà máy cũ như Nhiệt điện Phả Lại, khoản chi phí đầu tư cho dự án môi trường sẽ là áp lực lớn, ảnh hưởng tới vốn kinh doanh.

Bất chấp triển vọng ảm đạm, gần đây một số công ty nhiệt điện đã thông qua phương án chi trả cổ tức tiền mặt năm 2020.

CTCP Nhiệt điện Hải Phòng.

CTCP Nhiệt điện Hải Phòng.

Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng (HND) đã đề xuất chi trả cổ tức tiền mặt năm 2020 với tỷ lệ 24,3% trên mệnh giá, tương ứng tỷ suất cổ tức là 13%. Theo công ty, kế hoạch này phần lớn liên quan đến việc IPO Genco2.

Nhiệt điện Phả Lại (PPC) cũng kế hoạch chia tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2020 lên tới 58,9% trên mệnh giá, trong số đó công ty đã chi trả 15%.

Tuy nhiên, có thể thấy, mức chi trả cổ tức của các công ty trên không hợp lý trong bối cảnh lợi nhuận kém khả quan. 

Mặc khác, kế hoạch tỷ lệ cổ tức tiền mặt cho năm 2021 được đặt ở mức thấp hơn nhiều, từ 4 - 8% trên mệnh giá.

Hoàng Minh