KINH TẾ

Thiết bị tiết kiệm điện đến 40%: Mua chỉ tốn tiền!

  • Tác giả : Tuấn Huy
Tin vào quảng cáo trên mạng, ông Quang (Mỹ Đình - Hà Nội) không ngần ngại bỏ tiền mua máy tiết kiệm điện và cẩn thận ghi lại chỉ số công tơ trong suốt 2 tháng. Tuy nhiên, tiền điện hơn 1 triệu đồng/tháng không hề thay đổi.

Vào thời điểm thời tiết nắng nóng gay gắt, lịch cắt điện luân phiên khắp nơi nhằm đảm bảo cung ứng điện. Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng, thị trường quảng cáo tràn lan sản phẩm tiết kiệm điện được người bán "thần thánh hóa" công dụng giảm tới 40% điện năng, bảo vệ nguồn điện, tăng tuổi thọ thiết bị. Nhưng khi mua về sử dụng, những thiết bị này thực chất không “siêu tiết kiệm” như quảng cáo.

Bẫy lừa "thiết bị tiết kiệm điện"

Không có tác dụng gì, nhưng mỗi ngày vẫn có rất nhiều người dân mắc bẫy các đối tượng gian thương bằng những lời quảng cáo hấp dẫn, những clip dàn dựng tinh vi.

Mất công mất việc và mất tiền là những gì ông Quang nhận được khi mua thiết bị tiết kiệm điện, nói quyết định sai lầm của mình, ông quang chua chát: "Tôi thấy không có giá trị gì về tiết kiệm điện cả, khác xa với những lời quảng cáo trên mạng, cho dù phải mua hơn 550.000 đồng một chiếc".

Không chỉ ông Quang, nhiều người tiêu dùng phải nhận quả đắng khi tin vào các clip quảng cáo tràn lan trên facebook, tiktok với nội dung "Chỉ với chi phí 300.000 đồng bạn đã sở hữu thiết bị tiết kiệm được 30 - 40% điện tiêu thụ hàng tháng và tiết kiệm được 10 - 15 triệu đồng cho năm đầu tiên của hộ gia đình".

Chị Phạm Ngọc Bích (Long Biên- Hà Nội), một trong những nạn nhân của những quảng cáo này, chị đã mua một thiết bị tiết kiệm điện về dùng với giá 299.000 đồng. Theo hướng dẫn sử dụng, chỉ cần cắm thiết bị vào nguồn điện là tự động có thể tiết kiệm điện. Tuy nhiên kết quả lại khiến chị thất vọng, lượng điện tiêu thụ của gia đình vẫn tăng đều.

"Tháng đầu tưởng là tiết kiệm điện, tháng sau thậm chí tiền điện còn tăng lên”, chị Bích bức xúc.

Theo chị Bích kể, chị liên hệ đổi trả, bảo hành sản phẩm thì bị cửa hàng từ chối, nơi bán vẫn khăng khăng khẳng định rằng thiết bị của họ có thể tiết kiệm điện. Ngại đôi co dài dòng và số tiền cũng không quá lớn nên chị đã tặc lưỡi cho qua vì không muốn mang thêm bực vào người.

Trong quá trình sử dụng, anh Vinh (Hải Phòng) hốt hoảng kể lại rằng thiết bị tiết kiệm điện mình mua về, sau 2 ngày sử dụng liên tục đã... phát nổ, làm "nhảy" cầu dao. Sang đến ngày thứ 3 thì phía ổ cắm bất ngờ bốc khói đen, phát tiếng nổ nghe "lụp bụp", rồi cầu dao bị "nhảy", khiến cả nhà mất điện toàn bộ.

Không thiết bị nào có thể tiết kiệm đến 40% điện

Nhìn từ góc độ chuyên môn, ông Nguyễn Đức Tiến - Giám đốc kỹ thuật đồ điện tử, thiết bị định vị tại Yên Bái cho biết: “Tôi đã mua một thiết bị tiết kiệm điện gần 400.000 đồng, tiến hành nghiên cứu xem sản phẩm có thực sự “thần thánh” như lời giới thiệu thì phát hiện bên trong chỉ có một bảng mạch cơ bản có gắn đèn LED và một vài tụ điện trở.

Tiếp tục nghiên cứu thử với 1 bóng đèn sợi đốt với công suất 40W và đồng hồ đo cường độ dòng điện, lúc này dòng điện tiêu thụ của bóng đèn là 15A. Khi cắm thiết bị tiết kiệm điện vào chung ổ cắm thì dòng điện tăng lên tới 25A. Có thể khẳng định rằng sản phẩm còn tiêu thụ thêm điện năng, hoàn toàn không có các tính năng như lời quảng cáo”.

Chị Lã Thu Thảo, kỹ thuật viên công ty Điện lực Yên Bái chia sẻ, về mặt kỹ thuật, tất cả các thiết bị điện khi cắm vào nguồn điện và hoạt động đều tiêu thụ một lượng điện năng nhất định. Các thiết bị đấu vào mạch điện phía sau công tơ chỉ có thể cải thiện một phần hệ số công suất của thiết bị điện, làm giảm tổn thất điện năng của dây dẫn và giảm một phần hao phí. Tuy nhiên, không thể có thiết bị nào đấu nối sau công tơ làm giảm tới 30-40% lượng điện năng tiêu thụ như quảng cáo.

“Có thể nói, đây chỉ là chiêu trò lừa đảo khách hàng, "lợi dụng" tâm lý muốn tiết kiệm chi tiêu của người tiêu dùng. Nếu có loại thiết bị có tác dụng can thiệp trực tiếp vào hoạt động công tơ điện làm cho công tơ điện chạy chậm lại, thì cũng có nghĩa là người sử dụng thiết bị này đang thực hiện hành vi ăn cắp điện, vi phạm quy định sử dụng điện và sẽ bị truy thu tiền điện, thậm chí có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật”, Chị Thảo nói.

Theo chị Ly, chủ gian hàng sản phẩm đồ gia dụng điện tử chính hãng tại Hà Nội, các thiết bị siêu tiết kiệm này thực tế đều nhập từ Trung Quốc. Người bán nhập về và “tô hồng” công dụng để thu hút khách hàng có nhu cầu.

Tiết kiệm điện phải là thói quen

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa phát đi cảnh báo về quảng cáo không đúng sự thật về “thiết bị tiết kiệm điện”, “thẻ tiết kiệm điện thông minh”… đang được lan truyền nhiều hiện nay.

EVN cho biết khi kiểm chứng thực tế cho thấy hoàn toàn không thể giảm điện năng tiêu thụ ở mức lớn như vậy. Các thiết bị trên không được Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương hoặc đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng chứng nhận về hiệu quả. Khuyến cáo người tiêu dùng không mua và không sử dụng các thiết bị trên. Muốn tiết kiệm điện, người tiêu dùng cần luôn nâng cao ý thức sử dụng.

Box: Để tiết kiệm điện, các chuyên gia khuyên nên tắt các thiết bị điện không được sử dụng đến, rút phích cắm ngay cả khi không sử dụng thiết bị điện. Điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh, máy lạnh phù hợp, tốt nhất là nên để nhiệt độ điều hòa trên 26 độ C trong những ngày nắng nóng. Vệ sinh, bảo dưỡng thường xuyên, thay thế các thiết bị điện công nghệ cũ, lạc hậu. Ghi nhớ tắt các thiết bị điện, tốt nhất là nên ngắt cầu dao điện hoặc rút phích cắm ra khỏi nguồn điện khi không sử dụng.

Một trong những cách tiết kiệm điện trong ngôi nhà nhỏ của bạn chính là sử dụng đèn chiếu sáng huỳnh quang (CFL) hoặc bóng đèn LED thay cho các thiết bị đèn thông thường. Mở rộng cửa sổ để sử dụng ánh sáng tự nhiên cũng là một cách tiết kiệm điện. Buổi sáng nhân lúc mặt trời còn chưa gay gắt bạn có thể mở cửa sổ, kéo rèm để tận dụng nguồn năng lượng từ bên ngoài vừa sáng lại vừa thông thoáng căn nhà./.

Tuấn Huy