Cụ thể, trong tháng 10, số liệu bán hàng của VAMA cho thấy, sức mua đã trở lại bình thường cũ sau khi nhiều địa phương trên cả nước đã hết giãn cách xã hội.
Theo đó, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 29.797 xe, bao gồm 19.865 xe du lịch; 9.492 xe thương mại và 404 xe chuyên dụng, tăng 120% so với Tháng 9/2021, giảm 10,4% so với tháng 10/2020.
Trong đó, doanh số xe du lịch tăng 138%; xe thương mại tăng 94% và xe chuyên dụng tăng 45% so với tháng trước;
Doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 15.344 xe, tăng 110% so với tháng trước và doanh số; xe nhập khẩu nguyên chiếc là 14.453 xe, tăng 132% so với tháng trước.
Theo VAMA, doanh số tăng trong tháng 10 nhờ vào 2 yếu tố chính: hoạt động trở lại của tất cả các đại lý ô tô trên toàn quốc, cũng như sự phục hồi nhanh chóng của các dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc, tăng 132% so với tháng trước.
Đặc biệt, mới đây là thông tin từ Chính phủ về việc áp dụng mức giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ được áp dụng từ ngày 15/11/2021. Tuy nhiên, doanh số tháng 10 năm 2021 vẫn giảm 10,4% so với tháng 10 năm 2020.
Doanh số bán ra của thị trường lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10 vẫn thấp hơn so với cùng kỳ trong thời điểm trước đại dịch (Mười tháng đầu 2021 so với mười tháng đầu 2019: giảm 16%).
Các chuyên gia dự báo, cho dù phí trước bạ không được ưu đãi, thị trường ô tô 2 tháng cuối năm sẽ vẫn sôi động, góp phần giúp tiêu thụ cả năm tiếp tục đạt trên 300 ngàn xe. Tất cả có 2 nguyên nhân chính.
Nguyên nhân thứ nhất, do năm nay Tết cổ truyền đến sớm, nên mùa mua sắm cuối năm sẽ chỉ diễn ra trong hơn 2 tháng kể từ tháng 11, dẫn đến sức mua chắc chắn tăng.
Nguyên nhân thứ hai, khi tình hình dịch Covid-19 đang được khống chế tốt, cùng với mục tiêu “sống chung” thay vì “zero covid” từ Chính phủ, sẽ giúp nền kinh tế không bị gián đoạn, góp phần đảm bảo thu nhập cho cá nhân cũng như doanh nghiệp, từ đó nhu cầu mua ô tô cũng không bị giảm đi.