Đậu tương, ngô giảm
Đậu tương của Mỹ giảm 1,4%, ngô giảm 2% do tốc độ gieo trồng nhanh chóng trên khắp vùng Midwest đã củng cố một vụ mùa bội thu vào mùa thu này.
Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc trong tháng 4 giảm xuống 7,26 triệu tấn, giảm 10% so với một năm trước sau khi kiểm tra hải quan chặt chẽ hơn gây chậm trễ.
Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 19-1/2 US cent xuống 14,14-1/4 USD/bushel sau khi giảm dưới mức trung bình trong 10 ngày.
Hợp đồng ngô CBOT kỳ hạn tháng 7 giảm 11-3/4 US cent xuống 5,84-3/4 USD/bushel.
Lúa mì mềm đỏ vụ đông giảm 1,6%, với điều kiện tốt để phát triển cây trồng ở miền đông Midwest ảnh hưởng tới giá cả.
Lúa mì CBOT mềm đỏ vụ đông giao tháng 7 giảm 10-1/2 US cent xuống 6,43-1/2 USD/bushel.
Đồng tăng nhẹ
Giá đồng tăng nhẹ nhưng bị áp lực giảm sau khi số liệu từ Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế và nhu cầu kim loại yếu trong khi tồn kho đang tăng và USD mạnh lên tác động lên tâm lý.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,1% lên 8.593 USD/tấn. Giá kim loại này dùng để đánh giá sức khỏe nền kinh tế đã giảm 6% kể từ ngày 14/4.
Nhập khẩu đồng của Trung Quốc trong tháng 4 giảm 12,5% so với một năm trước vì nhu cầu toàn cầu giảm và thị trường bất động sản của Trung Quốc suy yếu.
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc bất ngờ giảm trong tháng 4, với nhu cầu trong nước yếu hơn cho thấy lĩnh vực này đang mất đà.
Số liệu tài chính xã hội và cho vay từ Trung Quốc trong vài ngày tới sẽ được xem xét kỹ lưỡng để tìm manh mối cho triển vọng tăng trưởng và nhu cầu trong tương lai.
Trong khi đó dự trữ đồng của sàn LME tăng 40% lên 71.675 tấn kể từ ngày 18/4.
USD tăng khiến các kim loại định giá bằng đồng bạc xanh này đắt hơn cho người giữ các đồng tiền khác, có thể làm giảm nhu cầu.
Quặng sắt Đại Liên tăng
Giá quặng sắt Đại Liên tiếp tục tăng do hy vọng chính sách hỗ trợ bổ sung cho nền kinh tế Trung Quốc nhưng triển vọng đầy thách thức đối với nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới này đã gây áp lực lên giá quặng sắt tại Singapore.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa tăng 1,3% lên 714 CNY (103,3 USD)/tấn. Trước đó giá đã chạm 727,5 CNY, cao nhất kể từ ngày 27/4.
Trên sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt giao tháng 6 giảm 3,4% xuống 101,9 USD/tấn, sau khi tăng 7% trong phiên trước đó.
Số liệu thương mại ảm đạm của Trung Quốc trong tháng 4 làm nổi bật sự phục hồi khó khăn, với xuất khẩu tăng ở tốc độ chậm hơn so với tháng 3.
Số liệu cũng cho thấy nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc giảm 9,8% trong tháng 4 so với tháng trước đó, nhưng tăng 5,1% so với tháng 4/2022 do khách hàng dự đoán nhu cầu mạnh trong mùa xây dựng cao điểm vào mùa xuân mặc dù thực tế lại khác.
Thép thanh tại Thượng Hải tăng 0,6%, thép cuộn cán nóng tăng 1,1% trong khi thép không gỉ giảm 0,2%.
Cao su kết thúc chuỗi tăng 4 ngày liên tiếp
Giá cao su Nhật Bản kết thúc chuỗi tăng 4 ngày liên tiếp do số liệu kinh tế của Châu Á thất vọng mặc dù thị trường Thượng Hải mạnh đã hạn chế đà giảm.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 10 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 1,6 JPY hay 0,8% xuống 212 JPY (1,57 USD)/kg.
Tại Thượng Hải cao su giao tháng 9 tăng 105 CNY lên 12.010 CNY (1.737,53 USD)/tấn.
Thị trường Thượng Hải đi lên do tin đồn Trung Quốc tiến hành dự trữ hàng hóa này nhưng chưa có thông báo chính thức nào xác nhận điều này.
Dầu tăng
Giá dầu tăng, đảo lại chiều giảm hơn 2% trong đầu phiên, do thị trường cân nhắc kế hoạch bổ sung kho dự trữ dầu mỏ khẩn cấp quốc gia và dự đoán nhu cầu tăng theo mùa.
Chốt phiên 9/5, dầu thô Brent tăng 43 US cent hay 0,6% lên 77,44 USD/thùng, dầu WTI tăng 24 US cent hay 0,3% lên 73,39 USD/thùng.
Chính quyền ông Biden có kế hoạch bắt đầu mua dầu bổ sung vào kho dự trữ dầu mỏ chiến lược đã hỗ trợ việc mua vào để đóng lại các hợp đồng bán khống mang tính đầu cơ. Chính phủ có thể bắt đầu mua dầu thô dự trữ vào cuối năm nay sau khi năm ngoái Tổng thống Joe Biden chỉ đạo đợt bán ra lớn nhất từ kho dự trữ chiến lược.
Một báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) chỉ ra nhu cầu theo mùa tăng và sản lượng thấp hơn dự kiến cũng hỗ trợ giá.
EIA cũng dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tăng 5,1% lên 12,53 triệu thùng/ngày trong năm nay, nhưng giảm sản lượng ước tính của họ trong năm nay và năm tới so với dự báo trước đó.
Cả hai loại dầu này đã giảm khoảng 2,5% trước đó trong phiên này sau khi tăng trong hai ngày trước.
Giá đã bị áp lực bởi số liệu nhập khẩu của Trung Quốc giảm trong tháng 4, trong khi xuất khẩu tăng với tốc độ chậm hơn, cho thấy nhu cầu trong nước yếu.
Các thị trường cũng theo dõi bình luận của Tổng thống Joe Biden và các nhà lập pháp hàng đầu của Đảng Cộng hòa về việc nâng trần mức nợ 31,4 nghìn tỷ USD, lo ngại về một vụ vỡ nợ chưa từng có nếu Quốc hội không hành động trong ba tuần nữa.
Chủ tịch Fed New York ông John Williams cho biết lạm phát vẫn quá cao và ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục nâng lãi suất nếu cấn, mặc dù ngân hàng trung ương Mỹ đã bỏ hướng dẫn về sự cần thiết tăng lãi suất trong tương lai.
Trong khi việc nghi ngờ về nền kinh tế này có thể gây sức ép lên các thị trường, giá dầu thô được hỗ trợ do các vụ cháy rừng khiến các nhà sản xuất dầu mỏ tại tỉnh Alberta, Canada giảm ít nhất 319,000 thùng dầu quy đổi mỗi ngày, hơn 3,7% sản lượng của nước này.
Cà phê arabica tăng
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 tăng 2,55 US cent hay 1,4% lên 1,865 USD/lb, trong tuần trước giá đã xuống thấp nhất 3,5 tuần do lo ngại nhu cầu.
Trên thị trường giao ngay giá đang giảm, có thể giảm xuống khoảng 1,75 USD trong tuần này nếu ngưỡng kỹ thuật 1,80 tới 1,85 USD bị phá vỡ.
Vụ thu hoạch cà phê arabica tại Brazil đã hoàn thành được 20% được hỗ trợ bởi điều kiện thời tiết khô hạn.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 giảm 6 USD hay 0,2% xuống 2.465 USD/tấn.
Xuất khẩu cà phê từ Việt Nam đạt 716.580 tấn trong 4 tháng đầu năm nay, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước./.