KINH TẾ

Thị trường giao đồ ăn nhanh thêm đối thủ từ Hàn Quốc

  • Tác giả : Hồng Linh
(khoahocdoisong.vn) - “Chiến trường” cạnh tranh của Now, GrabFood, Go-Food vốn đã nóng lại tăng khốc liệt khi vừa có thêm một đối thủ nặng ký đến từ Hàn Quốc. Startup kỳ lân Hàn Quốc này gia nhập thị trường bằng việc mua lại Vietnammm.

Trong ngày 14/5, fanpage của Vietnammm - nền tảng giao đồ ăn được thành lập tại Việt Nam từ tháng 2/2011 - đã đổi ảnh đại diện và ảnh bìa sang tên gọi Baemin. Trong phần giới thiệu thông tin về trang, website cũng được cập nhật địa chỉ mới là beamin.vn. "Sau khi đã chứng minh vị thế đứng đầu tại Hàn Quốc, Baemin có mặt ở Việt Nam để mang đến cho bạn dịch vụ giao đồ ăn đích thực" - thông tin trên fanpage khẳng định.

Không còn là đồn đoán, ứng dụng giao đồ ăn hàng đầu của Hàn Quốc với tên gọi Baedal Minjok, thuộc startup kỳ lân Woowa Brothers, đã chính thức vào Việt Nam. Là ứng dụng giao đồ ăn tại xứ sở Kim chi, Baedal Minjok ra mắt vào năm 2010, các đơn đặt đồ ăn hàng tháng của ứng dụng này đã tăng từ khoảng 5 triệu vào đầu năm 2015 lên hơn 20 triệu vào tháng 7 năm 2018, số lượng người dùng hoạt động hàng tháng từ 3 triệu lên 8 triệu trong cùng kỳ. Vào ngày 21/12/2018, ứng dụng này mới được đầu tư thêm 320 triệu USD từ Hillhouse Capital, Sequoia Capital và GIC nâng giá trị công ty này lên 2,6 tỷ USD.

Tại thị trường Việt Nam, sau khi mua lại Vietnammm, Woowa Brothers đổi tên ứng dụng thành Baemin, viết tắt của Baedal Minjok. Hiện tại, Baemin đã chính thức có mặt trên kho ứng dụng Android cũng như iOS nhưng mới chỉ tiến hành hoạt động giao đồ ăn tại khu vực TPHCM và chưa mở rộng ra Hà Nội.  Nhiều ý kiến đánh giá Baemin là một ứng dụng tiềm năng mà các đối thủ tại thị trường Việt Nam như Now, GrabFood hay Go-Food cần phải dè chừng, bởi dịch vụ này ngay khi ra mắt đã có sẵn lượng khách hàng và shipper từ Vietnammm. Bên cạnh đó là công nghệ và kinh nghiệm hơn 8 năm trong lĩnh vực giao đồ ăn tại Hàn Quốc, cùng với nguồn vốn dồi dào từ công ty mẹ Woowa Brothers, đơn vị vừa gia nhập nhóm kỳ lân thế giới với hàng loạt ông lớn chống lưng như Hillhouse Capital, Sequoia Capital, GIC,…

Tuy nhiên, không riêng gì Beamin, thị trường giao đồ ăn Việt Nam đang đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt không thua kém gì dịch vụ gọi xe công nghệ. Cuối năm ngoái, Lala, một startup giao nhận đồ ăn được đầu tư bởi Scommerce Group, đã phải lặng lẽ rút lui bằng cách chuyển đổi mô hình kinh doanh từ B2B2C (buiness to business to customer) như trước đây sang B2B (buiness to business), đồng nghĩa với việc không tham gia vào mảng giao nhận đồ ăn nữa.

Theo báo cáo của Euromonitor, thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam giá trị khoảng 33 triệu USD vào năm 2018 và dự báo sẽ đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020. Trong bối cảnh nhịp sống hiện đại khiến nhiều người có thói quen đặt giao đồ ăn tận nơi, thị trường này đang dần nóng lên từng ngày với tiềm năng khai thác ngày một rộng lớn.

Hồng Linh