Chứng khoán

Thị trường chứng khoán 2020: Chu kỳ tăng dài hạn vẫn đang tiếp diễn

  • Tác giả : Bùi Phú
(khoahocdoisong.vn) - Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tích cực, nhưng nhà đầu tư vẫn kỳ vọng thị trường chứng khoán có sự ổn định hơn. Giới chuyên môn nhìn nhận, thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2020 tiếp tục có những cơ hội hấp dẫn, khi chu kỳ tăng dài hạn vẫn đang tiếp diễn.

Triển vọng cả năm, kỳ vọng quý 1

Khởi đầu tháng 12/2019 ở mốc 970 điểm, nhưng trong tháng, VN-Index biến động quanh khu vực 950 điểm. Diễn biến thị trường từ đầu tháng 12 có thể nói là ảm đạm, nhưng không bất ngờ, bởi thị trường chứng khoán gần chục năm qua đều trồi sụt bất thường trong tháng cuối năm như vậy. Nguyên nhân do tháng 12 được xem là thời gian nghỉ ngơi của các tổ chức nước ngoài, nhất là giai đoạn cuối tháng.

Tuy vậy, sau 3 tuần bán ròng, khối ngoại đã mua ròng trở lại. Tính trên hai sàn niêm yết và thị trường UPCoM, khối ngoại mua  vào hơn 1.880 tỷ, trong khi bán ra gần 1.680 tỷ đồng, thanh khoản hơn 10 triệu cổ phiếu. Dẫu vậy, các giao dịch cũng được đánh giá là diễn ra khá thận trọng khi các quỹ phải cân nhắc kỹ càng hơn trong việc đánh giá thị trường, lên kế hoạch cho năm mới. 

Theo các chuyên gia chứng khoán, năm 2020, thị trường sẽ diễn biến tương tự như năm 2019

 sẽ phân hóa và đi ngang. Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta nhìn nhận, dòng tiền đã có sự dịch chuyển sang nhóm Largecaps và dòng tiền đầu cơ cũng hướng sang nhóm cổ phiếu bất động sản. Do đó xu hướng ngắn hạn có thể tích cực hơn vì nhóm Smallcaps khó có thể hình thành sóng tăng cho xu hướng chung của thị trường. Ông Minh cho rằng cơ hội vẫn có vì chu kỳ tăng dài hạn của thị trường vẫn còn, và có thể diễn ra trong quý 1/2020. Sau đó thị trường sẽ có xu hướng rõ hơn khi có thêm các thông tin mới.

Công ty chứng khoán Bảo Việt - BVSC dự báo, VN-Index nhiều khả năng sẽ hướng đến thử thách vùng kháng cự tiếp theo nằm tại 969-972 điểm. Tuy nhiên, BVSC cũng lưu ý rằng, trước đó chỉ số có thể xuất hiện các nhịp rung lắc, điều chỉnh nhẹ vào đầu tuần để kiểm định lại vùng hỗ trợ 960-961 điểm. Diễn biến thị trường vẫn sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu.

Về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2020, đã có một số tổ chức trong và ngoài nước nhận định tích cực. Điều đó là hoàn toàn có cơ sở khi nền tảng vĩ mô vẫn được đánh giá sẽ tiếp tục hỗ trợ cho sự tăng trưởng của thị trường, bên cạnh đó rủi ro bên ngoài cũng giảm đi so với năm vừa qua và dòng vốn đầu tư quốc tế có thể quay trở lại đối với các thị trường mới nổi cũng như Việt Nam.

Trong một báo cáo vừa được JP Morgan công bố, ngân hàng này lạc quan với thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2020 và đánh giá cao nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, công nghệ thông tin và tiêu dùng. Tuy nhiên, mối lo ngại lớn nhất đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm tới là việc Mỹ có thể áp thuế vào một số nhóm hàng Việt Nam giống như Trung Quốc sau khi Mỹ - Trung đã đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

Cũng theo JP Morgan, trong năm 2020, hướng đi của dòng tiền sẽ hạn chế chảy vào bất động sản, nên có thể sẽ chảy mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Mặt khác, các nhà quản lý phía Việt Nam cũng đang nỗ lực để nâng hạng thị trường chứng khoán và Việt Nam được nhận định có thể vào danh sách theo dõi MSCI Emerging Markets trong năm 2021. Đây là cơ sở cho hạng thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm tích cực trong năm tới.

Xu thế dòng tiền

Dự báo về triển vọng của các nhóm ngành, VinaCapital đánh giá lợi nhuận các ngân hàng niêm yết sẽ tăng trưởng 23% trong năm 2020, được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống dự kiến 13-14% trong năm tới (tương đương 2019). Các khoản cho vay thế chấp có thể tăng trưởng 30% và chiếm ¼ tổng dư nợ của các ngân hàng trong năm 2020. Nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ phân hóa mạnh hơn và sự tập trung chú ý sẽ dồn vào nhóm cổ phiếu ngân hàng có vốn cổ phần nhà nước chi phối như MBB, VCB, VPB.

Tuy VinaCapital không có đánh giá cổ phiếu bất động sản do sự chậm trễ trong phê duyệt các dự án mới tại TPHCM, nhưng các chuyên gia trong nước đều nhìn nhận nhóm cổ phiếu này sẽ tăng trưởng, dù chỉ tăng nhẹ. Thị trường bất động sản có thể không tăng mạnh, nhưng đất nền vẫn giữ giá và theo thời gian sẽ tăng, vì vậy doanh nghiệp có quỹ đất lớn giá rẻ như VinHomes, FLC, NovaLand càng có nhiều lợi thế.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco sẽ khó biết khi nào là đỉnh nhưng đã có nhiều dấu hiệu rõ ràng về việc triển khai dự án, mức độ tăng nóng của đất nền đã chậm lại và thanh khoản sụt giảm. Cần lưu ý là mức độ vay nợ của nhóm bất động sản đã tăng lên đáng kể trong 2 năm qua, trong đó tập trung tương đối nhiều thông qua hình thức trái phiếu với tài sản đảm bảo khó được thẩm định kỹ lưỡng. Đây là một trong những rủi ro tiềm ẩn của cổ phiếu BĐS trong năm 2020.

Ngoài ra, cả giới chuyên gia trong nước lẫn các quỹ nước ngoài đều cho rằng cổ phiếu ngành bán lẻ sẽ tăng trưởng lợi nhuận năm 2020. Nguyên nhân do sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và sự dịch chuyển các cửa hàng bán lẻ nhỏ (mom and pop) sang các chuỗi quy mô lớn. Nhà đầu tư tiếp tục hướng đến nhóm cổ phiếu đang nắm giữ vị thế dẫn đầu và có thể tích lũy cho năm sau. Hai cổ phiếu bán lẻ ưa thích của quỹ là MWG và PNJ. 

Mảng công nghệ hiện được dẫn dắt bởi tập đoàn FPT. Hơn một nửa doanh thu của FPT đến từ gia công phần mềm dự kiến sẽ tăng trưởng 25% trong năm tới, trong khi doanh thu dịch vụ viễn thông dự báo tăng trưởng 15% mỗi năm. Ngoài ra, FPT còn hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng tại thị trường nước ngoài, cuộc đua công nghệ fintech…

VinaCapital cũng chú ý đến nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam là Hòa Phát khi tập đoàn này dự kiến tăng gấp đôi sản lượng trong năm 2020.

Bùi Phú