Nhiều lần “thay tên đổi họ”…
Phòng khám đa khoa Hồng Cường (87-89 Thành Thái, quận 10, TP HCM) nhiều lần bị Thanh tra Sở Y tế TP HCM xử phạt vì hàng loạt sai phạm trong lĩnh vực y tế.
Được biết, địa chỉ 87-89 Thành Thái (quận 10, TP HCM) trước đây là điểm hoạt động của phòng khám đa khoa Elizabeth. Năm 2014 phòng khám này bị xử phạt hơn 300 triệu đồng với các sai phạm trong lĩnh vực y tế.
Sau đó, địa chỉ này nhiều lần đổi tên thành Phòng khám đa khoa Thành Thái, phòng khám đa khoa Khang Thái, cả hai phòng khám lại tiếp tục hoạt động với những chiêu trò "vẽ bệnh, thu tiền" người bệnh. Đến khi bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động (có thời hạn), tại địa chỉ cũ Phòng khám Khang Thái đã “đổi tên” thành Phòng khám đa khoa Hồng Cường để tiếp tục hoạt động.
![]() |
Phòng khám đa khoa Hồng Cường (87-89 Thành Thái, phường 14, quận 10, TP HCM) - Ảnh: Báo Sức khoẻ và Đời sống |
Tra cứu trên Cổng thông tin quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Hồng Cường thành lập tháng 1/2018. Người đại diện theo pháp luật là Đào Vinh Quân.
Trên Cổng tra cứu thông tin hoạt động khám chữa bệnh của ngành y tế TP HCM, Phòng khám đa khoa (thuộc Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Hồng Cường) được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động số 06951/HCM-GPHĐ, ngày 17/1/2020. Người phụ trách chuyên môn kỹ thuật là bà Nguyễn Thị Minh Hương.
… Vẫn gặp “biến”
Mới đây,Thanh tra Sở Y tế TP HCM công bố các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế.
Trong đó, Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Hồng Cường (Phòng khám đa khoa Hồng Cường, 87-89 Thành Thái, phường 14, quận 10) bị xử phạt 129 triệu đồng.
Các hành vi vi phạm gồm: Lập sổ khám chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ; Quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh thiếu nội dung về phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong giấy phép hoạt động; Cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu.
Ngoài phạt tiền, Phòng khám đa khoa Hồng Cường còn bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám chữa bệnh trong thời hạn 4 tháng, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh của người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở trong thời hạn 2 tháng; Buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo vi phạm.
Ngoài ra, ông Trần Quốc Dũng và ông Kpă Thuông (bác sĩ Phòng khám đa khoa Hồng Cường) bị xử phạt 2 triệu đồng; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh trong thời hạn 2 tháng do có hành vi lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi rõ đầy đủ các mục có trong hồ sơ bệnh án.
Bà Huỳnh Thị Châu và bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang (cử nhân xét nghiệm Phòng khám đa khoa Hồng Cường) bị xử phạt 7,5 triệu đồng và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh thời hạn 2 tháng do có hành vi sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin về khám chữa bệnh.
Thời gian qua Phòng khám đa khoa Hồng Cường và nhiều bác sĩ từng nhiều lần bị xử phạt vì "vẽ bệnh, moi tiền" người bệnh. Trước đó, tháng 2/2024, Thanh tra Sở Y tế TP HCM đã xử phạt, tước chứng chỉ hành nghề của 3 bác sĩ và 1 điều dưỡng tại phòng khám này.
Theo đó, các bác sĩ của Phòng khám đa khoa Hồng Cường, gồm: Ông Trần Quốc Dũng, Lê Hữu Liêm, bà Nguyễn Khánh Ly, mỗi người bị xử phạt 11,5 triệu đồng và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh 3 tháng, cùng vì các hành vi phục vụ cho mục đích "vẽ bệnh, moi tiền" người bệnh.
Cụ thể là: Lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi rõ, đầy đủ các mục có trong hồ sơ bệnh án theo mẫu quy định; Chỉ định sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vì vụ lợi; Sổ y bạ cấp cho người bệnh điều trị ngoại trú không ghi rõ, đầy đủ thông tin cá nhân của người bệnh, chẩn đoán, chỉ định điều trị, kê đơn thuốc theo quy định và thời gian khám lại.
Điều dưỡng Phan Thị Huyền, bị xử phạt 9,5 triệu đồng và tước chứng chỉ hành nghề 3 tháng vì lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi rõ, đầy đủ các mục có trong hồ sơ bệnh án theo mẫu quy định của pháp luật; Chỉ định sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vì vụ lợi.
Tháng 4/2022, Phòng khám đa khoa Hồng Cường cũng bị cơ quan chức năng xử phạt 80 triệu đồng vì có hành vi chỉ định sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh vì vụ lợi; Sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin về khám chữa bệnh; Quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh thiếu nội dung về phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong giấy phép hoạt động khám chữa bệnh.
Chọn “mặt” gửi niềm tin thăm khám, điều trị bệnh tật
Trao đổi với Khoa học và Đời sống/ Báo Tri thức và Cuộc sống, một chuyên gia về y tế cho biết, hiện nay, tại Việt Nam, hệ thống y tế tư nhân đang phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những phòng khám chất lượng, hoạt động đúng quy định, vẫn còn nhiều cơ sở kém chất lượng, quảng cáo quá mức, thậm chí giả mạo bác sĩ uy tín và thương hiệu bệnh viện lớn để thu hút bệnh nhân. Một số phòng khám sau khi bị cơ quan chức năng xử phạt lại nhanh chóng đổi tên, thay đổi địa chỉ và tiếp tục hoạt động với mô hình cũ, gây khó khăn trong việc kiểm soát và xử lý vi phạm.
Do đó, việc lựa chọn sai có thể không chỉ khiến người bệnh mất tiền oan mà còn gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe. Vì vậy, người dân cần hết sức tỉnh táo khi quyết định nơi khám chữa bệnh.
![]() |
Thông tin xử phạt Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Hồng Cường của Thanh tra Sở Y tế TP HCM - Ảnh chụp màn hình |
Vị chuyên gia cho biết thêm, để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, khi lựa chọn phòng khám tư nhân để thăm khám, điều trị bệnh cần lưu ý chỉ nên lựa chọn các phòng khám có giấy phép hoạt động hợp pháp do Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp. Giấy phép này thường được niêm yết công khai tại phòng khám hoặc trên trang web chính thức.
Người bệnh cần tìm hiểu thông tin về bác sĩ trực tiếp khám chữa bệnh. Bác sĩ phải có chứng chỉ hành nghề hợp pháp, có kinh nghiệm và chuyên môn phù hợp với bệnh lý cần điều trị.
Bên cạnh đó, cần tham khảo ý kiến từ người có kinh nghiệm, những người đã từng khám chữa bệnh tại phòng khám có thể chia sẻ đánh giá thực tế về chất lượng dịch vụ, thái độ của bác sĩ và hiệu quả điều trị. Cảnh giác với quảng cáo quá mức, nếu một phòng khám quảng cáo chữa khỏi 100%, cam kết điều trị nhanh chóng với giá rẻ bất thường, sử dụng hình ảnh bác sĩ nổi tiếng, nhưng không có bằng chứng xác thực, người bệnh cần thận trọng và kiểm tra lại thông tin.
Ngoài ra, người dân nên tra cứu danh sách các phòng khám được cấp phép trên trang web của Bộ Y tế, Sở Y tế địa phương hoặc các bệnh viện lớn để đảm bảo lựa chọn đúng.
“Bên cạnh sự chủ động của người bệnh, các cơ quan quản lý y tế cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các phòng khám vi phạm, đặc biệt là các cơ sở cố tình giả mạo, lừa đảo người bệnh. Đồng thời, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn để ngăn chặn tình trạng đổi tên, thay đổi địa chỉ để tiếp tục hoạt động sai phạm.
Ngoài ra, truyền thông y tế cũng cần đẩy mạnh việc cung cấp thông tin chính xác, giúp người dân nâng cao nhận thức và có khả năng tự đánh giá, lựa chọn phòng khám an toàn, chất lượng”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Anh Nguyễn Việt Dũng (40 tuổi, Hà Nội) cho biết, phòng khám đa khoa chất lượng cao hiện nay đang là lựa chọn của nhiều người bệnh. Nhưng không phải phòng khám nào cũng là nơi phù hợp để người bệnh đặt niềm tin khám chữa bệnh. Nhiều người vì nhẹ dạ, ưu tiên chọn nơi kiểm tra sức khỏe với chi phí rẻ mà bàng hoàng nhận ra mình đã bị lừa. Bởi đến trực tiếp kiểm tra rồi mới biết cơ sở vật chất tồi tàn, bác sĩ kiểm tra qua loa, thái độ phục vụ thiếu chuyên nghiệp,… Do đó, cần thận trọng lựa chọn kỹ địa chỉ thăm khám ngay từ ban đầu vừa tiết kiệm thời gian, tiền bạc, vừa nhận được kết quả chính xác.
“Sức khỏe là tài sản vô giá, vì vậy mỗi người cần tỉnh táo, cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn cơ sở y tế để điều trị. Chọn đúng phòng khám, bác sĩ giỏi không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe mà còn tránh được những hệ lụy đáng tiếc. Hãy là người tiêu dùng thông minh, chọn mặt gửi vàng để đảm bảo sự an toàn cho chính mình và gia đình”, chị Bùi Thị Thu Anh (45 tuổi, TP HCM) khuyến cáo.
Cần hình phạt nghiêm khắc
Luật sư Mai Quốc Việt, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng cho biết, việc một số phòng khám đa khoa có hiện tượng “vẽ bệnh, moi tiền” là một vấn đề nhức nhối, kéo dài trong nhiều năm. Liên quan đến việc này, các quy định pháp luật đã rõ ràng và đầy đủ, nhưng có thể thấy rằng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính hiện nay chưa đủ sức răn đe. Bởi lẽ, cứ mỗi lần phòng khám bị xử phạt thì lại “thay tên, đổi họ” để tiếp tục hoạt động…
"Do đó, cần có các biện pháp xử phạt nghiêm khắc hơn để ngăn chặn hành vi lạm dụng và sai phạm của các phòng khám. Ngoài việc tăng mức phạt tiền, cần xem xét các biện pháp khác như tước giấy phép hành nghề, cấm hoạt động trong một thời gian dài, hoặc thậm chí nếu có đủ dấu hiệu hình sự thì cần xử lý hình sự", luật sư Việt nhấn mạnh.
Theo luật sư, những trường hợp cố tình vi phạm và lợi dụng việc khám chữa bệnh để trục lợi, các biện pháp xử phạt cần phải nghiêm khắc hơn để tạo ra tính răn đe mạnh mẽ.
Những hoạt động về y tế, có liên quan đến sức khỏe của con người cần phải được tuân thủ, được bảo vệ, mọi hành vi trục lợi từ việc này đều cần phải bị xử lý mạnh tay. Việc tước chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân hoặc rút giấy phép hoạt động khám chữa bệnh đối với tổ chức vĩnh viễn có thể là một biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn hành vi sai phạm tái diễn. Vì cơ bản đối tượng vi phạm sẽ không được hoạt động.
Việc áp dụng các biện pháp này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của người thăm khám, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế mà còn lấy lại niềm tin từ người dân. Tuy nhiên, việc xử lý cũng cần đảm bảo đúng người, đúng pháp luật, công bằng.
Để ngăn ngừa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế bị xử phạt, giải thể và thành lập mới dễ dàng, cần một số giải pháp như cơ quan chức tăng cường thêm nữa hoạt động kiểm tra, giám sát, nhất là việc kiểm tra đột xuất để giúp phát hiện kịp thời các vi phạm và ngăn chặn trước khi trở thành vấn đề nghiêm trọng.
Cơ quan chức năng cần giám sát lại quy trình cấp phép, cấp chứng chỉ hành nghề. Cần nêu cao tinh thần, bản lĩnh nghề nghiệp, rà soát những cá nhân và tổ chức đủ năng lực và đạo đức nghề nghiệp mới được cấp phép hoạt động.
Đưa ra, xây dựng thêm các chế tài để xử lý mạnh hơn nữa các hành vi vi phạm để tạo ra tính răn đe. Bên cạnh đó, những cá nhân, tổ chức vi phạm cần phải bị nêu gương công khai để người dân được biết và có sự lựa chọn phù hợp.
Sở Y tế TP HCM khuyến cáo đối với người dân, khi lựa chọn cơ sở y tế để sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, thẩm mỹ… phải tìm hiểu và kiểm chứng thông tin trước khi quyết định sử dụng dịch vụ. Người dân có thể tra cứu thông tin cơ sở khám chữa bệnh theo địa chỉ “ https://tracuu.khambenh.gov.vn”.
Khi phát hiện cơ sở y tế hoạt động không phép, quảng cáo sai sự thật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật trong khám bệnh, chữa bệnh, liên hệ ngay đường dây nóng của Sở Y tế: 0989.401.155 hoặc tải ứng dụng “Y tế trực tuyến” để cung cấp thông tin giúp Thanh tra Sở Y tế kiểm tra, xử lý và ngăn chặn kịp thời.
Thông tin xử phạt Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Hồng Cường của Thanh tra Sở Y tế TP HCM - Ảnh chụp màn hình