Dữ liệu y khoa

Thảo dược điều trị huyết áp thấp

  • Tác giả : Lương y Hoàng Duy Tân
(khoahocdoisong.vn) - Người huyết áp thấp, nói chung có nhược điểm là mạch máu quá giòn yếu, khó co bóp tự nhiên, huyết dịch lưu thông cũng tương đối chậm. Dùng thảo dược làm tăng huyết áp giúp người bệnh cải thiện các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt và phòng tránh đột quỵ.

Tiêu chuẩn cơ bản của huyết áp thấp thường là 90/60mmHg trở xuống. Nguyên nhân dẫn tới huyết áp thấp hầu hết do yếu tố thể chất. Người huyết áp thấp, nói chung có nhược điểm là mạch máu quá giòn yếu, khó co bóp tự nhiên, huyết dịch lưu thông cũng tương đối chậm nênt khó xâm nhập vào các mao mạch, dẫn đến triệu chứng tay chân lạnh; ngoài ra còn có thể ảnh hưởng đến não bộ và các cơ quan nội tạng. Người huyết áp thấp luôn ở trạng thái thiếu oxy, ảnh hưởng lớn đến công năng tim và não.

Trên lâm sàng dù huyết áp thấp do nguyên nhân nào thì biểu hiện chủ yếu là lúc đứng dậy đột ngột đều sinh hoa mắt, chóng mặt, nặng đầu, mắt mờ, người mệt mỏi, chân tay lạnh, thậm chí hôn mê, đột qụy, huyết áp tụt rõ rệt. Người bệnh có lúc đứng lâu tụt huyết áp, ra mồ hôi, buồn nôn, tim đập chậm.

Những người huyết áp thấp nguyên phát tư thế đứng thẳng (phần nhiều người lớn tuổi) có thể kèm theo liệt dương, tiểu tiện không tự chủ, sau một thời gian có thể phát sinh nói khó, sụp mi mắt, đi không vững, chân tay run, tê dại...

Hội chứng huyết áp thấp nặng phát sinh tụt huyết áp đột ngột, sắc mặt trắng bệch, ra mồ hôi lạnh, buồn nôn, không ngồi đứng dậy được dẫn tới hôn mê, tay chân lạnh, mạch tế huyền sác. Đối với những người cao tuổi cần cảnh giác với hội chứng này. Để trị liệu, y học cổ truyền dùng các loại thảo dược sau:

Trà quế cam: Quế chi, cam thảo đều 8g; quế tâm 3g; ngày 1 gói hãm nước sôi uống. 50 ngày là 1 liệu trình.

 Quế chi cam phụ thang: Quế chi, cam thảo, xuyên phụ tử đều 15g, ngày 1 thang hãm nước sôi uống thay trà trong ngày.

Táo đỏ sen gừng: Hạt sen 30g, táo đỏ 10g, gừng tươi 6 lát. Sắc uống ngày 2 lần.

Ngũ vị tử + quế: Ngũ vị tử 25g, nhục quế 15g, quế chi 15g, cam thảo 15g. Sắc uống ngày 2 - 3 lần, uống một đợt từ 3 - 7 ngày. Khi huyết áp tăng lên bình thường thì uống tiếp một đợt từ 3 - 6 ngày nữa.

Thuốc sắc theo thang: Thục địa 12g, chích cam thảo 6g, bạch truật 12g, đương quy 12g, xuyên khung 8g, phục linh 12g, đảng sâm 12g, hoàng kỳ 16g, bạch thược 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bột tử hà sa + nhân sâm: Nhân sâm tán bột 25g, tử hà sa (tán bột) 50g. Trộn với mật ong, mỗi lần uống từ 3 - 5g, ngày uống 2 lần vào buổi sáng và trưa.

Đẳng sâm + mạch môn:  Đẳng sâm 15g, mạch môn 9g, ngũ vị tử 5g, hoàng kỳ 15g, nhục quế 2 - 4g, chích cam thảo 9g, phù tiểu mạch 30g, táo 5 quả. Sắc uống mỗi ngày một thang, chia làm 2 lần.

Trứng luộc gừng: Trứng gà tươi 1 quả, gừng tươi 1 nhánh. Rửa sạch gừng thái lát, cho vào nồi, cho thêm 1 cốc nước lã, đun nhỏ lửa đến khi cạn còn 1/3 cốc thì đập trứng gà vào khuấy đều, đun tiếp 2 phút. Sau đó bắc ra ăn nóng, ngày 1 lần, ăn liền trong 5 ngày.

Bò hầm rượu vang: Thịt bò 1kg, rượu vang 250ml. Thịt bò thái miếng, cho vào nồi hầm nhỏ lửa thật nhừ, cứ 1 giờ chắt nước cốt 1 lần rồi thêm nước đun tiếp. Làm 4 lần như vậy, hợp 4 nước lại, chế thêm rượu vang rồi cô lửa nhỏ thành cao đặc, để nguội, đựng trong lọ kín dùng dần. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 3 thìa canh.

Gà hầm nhân sâm + hoàng kỳ: Gà mái 1 con 1kg, nhân sâm 10g, hoàng kỳ 30g, ngũ vị tử 15g. Gà làm thịt, chặt miếng, các vị thuốc cho vào túi vải, buộc kín miệng. Tất cả bỏ vào nồi, nước vừa đủ, hầm lửa nhỏ cho thật nhừ, bỏ bã thuốc, thêm gia vị, làm canh ăn.

Lương y Hoàng Duy Tân (nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y Đồng Nai)

Lương y Hoàng Duy Tân