GIỚI TÍNH

Thanh Hóa: Tự dưng không đi lại được, bé 10 tuổi phát hiện u não lớn

  • Tác giả : Thúy Nga
Bệnh viện Nhi Thanh hóa phẫu thuật thành công ca bệnh “u tiểu não kích thước lớn gây giãn não thất” khiến trẻ không đi lại được. Đây là loại u phát triển lâu nên cha mẹ cần chú ý phát hiện sớm cho trẻ.

Bệnh viện Nhi Thanh Hóa tiếp nhận bệnh nhi nam, 10 tuổi, vào viện với lý do yếu 2 chi dưới hai tháng nay, 1 tuần nay trẻ không đi lại được, ngày nay trẻ xuất hiện đau đầu, gọi hỏi đáp ứng chậm.

Bệnh nhân được nhập viện khoa Thần Kinh-Tâm Bệnh, được tiến hành chụp CT sọ não cho kết quả “u tiểu não kích thước lớn gây giãn não thất”. Bệnh nhân ý thức giảm dần, gọi hỏi không đáp ứng, được hội chẩn liên khoa với chẩn đoán “Tăng áp lực sọ não, giãn não thất do u tiểu não”.

Bệnh nhân được tiến hành mổ cấp cứu, đặt van dẫn lưu não thất-ổ bụng với mục đích giảm áp lực trong sọ. Sau mổ bệnh nhân tỉnh hơn, có thể ngồi được. Sau đó bệnh nhân được tiến hành chụp cộng hưởng từ sọ não cho kết quả “ U tiểu não kích thước 7x8 cm”.

Sau 1 tuần đặt van dẫn lưu, ca bệnh được tiến hành hội chẩn liên khoa, và được lên kế hoạch mổ cắt u. Bệnh nhân được tiến hành gây mê nội khí quản, tư thế mổ nằm sấp, các phẫu thuật viên đã tiến hành rạch da vùng chẩm, qua xương sọ và màng não tiếp cận khối u, dùng các dụng cụ chuyên dụng lấy bỏ hoàn toàn khối u mà không làm tổn thương nhu mô não lành, cầm máu diện mổ.

Chuẩn bị phẫu thuật cho bệnh nhi

Chuẩn bị phẫu thuật cho bệnh nhi

Sau 5 giờ phẫu thuật, ca mổ đã hoàn thành. Bệnh nhân được tiến hành hồi sức, điều trị tích cực. Sau mổ chưa đến 24 giờ, bệnh nhân đã tỉnh lại, tay chân hoạt động được, sau mổ 7 ngày bệnh nhân đã tự ăn uống, đi lại được và không có biến chứng gì.

Kết quả giải phẫu bệnh khối u cho thấy đây là khối u lành tính (u sao bào lông). Với kết quả này bệnh nhân được xuất viện và hẹn tái khám lại.

Các bác sĩ cho biết: U tiểu não hay có tên gọi khác u hố sau (vị trí phía sau đầu, vùng chẩm, dưới lều tiểu não) là loại u não phổ biến nhất trong các loại u não ở trẻ em. U thường xuất hiện từ lâu trước khi có biểu hiện buộc trẻ phải đi viện khám bệnh.

Vì thế khi phát hiện khối u thường có kích thước lớn. Các biểu hiện thường thấy của u tiểu não là: Đau đầu vùng chẩm, nôn, đi lại loạng choạng, yếu tay chân...U có thể lành tính hoặc ác tính. Phẫu thuật cắt u là bước quan trọng và bắt buộc với hầu hết các trường hợp.

Thúy Nga