Khoa học & Công nghệ

Thân phận siêu cao quý của cổ vật mệnh danh thần khí Tam Tinh Đôi

  • Tác giả : Bích Hậu (Theo Sohu)
Theo CCTV News, cổ vật thực chất là một thần khí quý giá, được tạo ra theo hình tượng mặt trời, chủ yếu sử dụng trong đền thờ hoặc các nghi lễ tế tự, thể hiện sự tôn sùng mặt trời của con người thời ấy.

Di chỉ Tam Tinh Đôi nằm ở phía Tây thành phố Quảng Hán, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, thuộc thời đại văn hóa đồ đồng. Kể từ khi công tác khảo cổ bắt đầu, nơi này liên tục xuất lộ những bảo vật kỳ diệu, trong đó nổi bật là một vật dụng có hình dáng giống vô lăng của ô tô hiện đại – được gọi là "Hình khí Thái Dương". Theo CCTV News, đây thực chất là một thần khí quý giá, được tạo ra theo hình tượng mặt trời, chủ yếu sử dụng trong đền thờ hoặc các nghi lễ tế tự, thể hiện sự tôn sùng mặt trời của con người thời ấy.

Cổ vật được xem là thần khí ở di chỉ Tam Tinh Đôi, Trung Quốc.

Cổ vật được xem là thần khí ở di chỉ Tam Tinh Đôi, Trung Quốc.

Theo CCTV News, di chỉ Tam Tinh Đôi đã tìm thấy nhiều vật phẩm độc đáo, trong đó có một món đồ đồng tròn và cân đối, hình dáng rất giống với vô lăng của ô tô. Trước đây, các nhà khảo cổ chưa từng thấy một món đồ nào tương tự, vì vậy cách sử dụng và ý nghĩa tượng trưng của nó luôn là đề tài tranh luận, thậm chí còn có người cho rằng đây là cổ vật khẳng định cho việc xuất hiện hiện tượng "xuyên không" hay "du hành vượt thời gian". Hiện có ba giả thuyết chính về công dụng của cổ vật này.

Giả thuyết đầu tiên là bánh xe. Khi hố khai quật số hai tại Tam Tinh Đôi được mở ra, vật dụng hình tròn này được gọi là "bánh xe". Tuy nhiên, chiếc cổ vật này rất mỏng, khó có thể chịu được tải trọng nếu làm bánh xe. Giả thuyết thứ hai là "trang trí cho khiên", tức được gắn làm vật trang trí trên khiên chiến đấu. Nhưng món đồ này lại có kích thước khá lớn, đường kính lên đến 85 cm sau khi phục hồi. Nếu thật sự là vật trang trí trên khiên, nó sẽ phải đi kèm với một chiếc khiên khổng lồ. Tuy nhiên, trong hàng ngàn cổ vật khai quật tại Tam Tinh Đôi, không tìm thấy bất cứ món đồ nào liên quan đến ngựa chiến hoặc khiên.

Giả thuyết thứ ba được cho là có tính khả thi cao nhất – "Hình khí Thái Dương". Trong báo cáo khai quật chính thức, các nhà khảo cổ đặt tên cho món đồ đồng này là "Hình khí Thái Dương" với phần trung tâm nhô lên tượng trưng cho mặt trời, tỏa ra 5 tia sáng, bao quanh là một vòng hào quang. Đa số ý kiến cho rằng đây là một loại thần khí, có thể được đặt cố định trong các đền thờ của người Thục cổ hoặc sử dụng trong các nghi lễ tế thần, treo trên một vật thể nào đó như biểu tượng của mặt trời để mọi người tôn thờ.

Báo cáo cũng cho biết, nền văn hóa tôn thờ mặt trời của các dân tộc trên đồng bằng Tứ Xuyên được duy trì đến thời Đông Chu. Theo sách "Hoa Dương Quốc Chí", tên của vị vua cuối cùng của Thục là Khai Minh", được cho là có liên hệ mật thiết đến "mặt trời mọc". Tại di chỉ Kim Sa ở phía tây thành phố Thành Đô, thuộc quận Thanh Dương, người ta cũng phát hiện nhiều vật phẩm như chim thần mặt trời, có niên đại từ cuối thời Thương đến đầu Tây Chu, là bằng chứng cho sự tôn thờ mặt trời của người Thục cổ, phản ánh sự tôn kính của họ đối với sự sống, hơi ấm và ánh sáng.

Bích Hậu (Theo Sohu)