Nằm ở thôn Khó Chớ, xã Vần Chải, huyện Đồng Văn, Làng Sảo Há là nơi sinh sống của người Mông. Theo tiếng H'Mông, Sảo Há có nghĩa là “thung lũng trên cao”; trở nên hút khách du lịch nhờ bộ phim "Tết ở làng địa ngục".
Làng Sảo Há Hà Giang trở nên nổi tiếng hơn sau bộ phim “Tết ở làng địa ngục” công chiếu - Nguồn: Hà Giang Trẻ
Cung đường vào làng rất hiểm trở - Nguồn: Hà Giang Trẻ
Vẻ ma mị của làng Sảo Há
Do nằm ở độ cao hơn 1500m so với mực nước biển nên khí hậu nơi đây trong lành, mát mẻ vào mùa hè và lạnh giá vào mùa đông. Nằm sâu trong rừng già, được che khuất bởi những bóng cây cổ thụ nên làng Sảo Há gần như trở thành một nơi biệt lập và bí ẩn.
Những bức tường đá là điểm nhấn đặc biệt của làng Sảo Há - Nguồn: Hà Giang Trẻ
Hàng rào đá phủ rêu xanh: Hiện có khoảng 22 hộ dân sống ở những ngôi nhà trình tường truyền thống của bà con dân tộc Mông (dùng đất đắp thành tường để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt trên cao nguyên đá), lợp mái âm dương nằm thành từng cụm. Đặc trưng thú vị của ngôi làng là những hàng rào bằng đá tự nhiên cao khoảng 2,5m được xếp khít, có tuổi đời hàng chục năm, phủ đầy rêu xanh. Đây là địa điểm “check in” cổ kính, ma mị hút khách du lịch tham quan.
Lối vào rừng trúc ở Sảo Há đẹp như phim - Nguồn: Hà Giang Trẻ
Nơi đây vẫn còn những ngôi nhà trình tường kiểu cổ xưa của người Mông - Nguồn: Báo Hà Giang
Những khu rừng hoang vu: Du khách đến làng cổ Sảo Há có dịp chiêm ngưỡng và tận hưởng không gian pha chút ma mị của núi rừng hoang vu, khu rừng nguyên sinh cổ thụ, khu rừng trúc, những lối đi nhỏ vào rừng,… như được trở về với những thước phim của quá khứ.
Khám phá cuộc sống người Mông: Do đặc điểm địa hình hiểm trở và giao thông không thuận tiện nên người Mông ở làng Sảo Há Hà Giang chủ yếu sinh sống theo kiểu tự cung tự cấp. Du khách đến đây sẽ được chứng kiến nhịp sống chậm rãi, người lớn sáng đi làm rẫy ở xa và trở về nhà lúc chiều tối, ban ngày ở ngôi làng chỉ có những đứa trẻ con đang vui đùa hoặc chăn thả gia súc bên đường. Vì ít dân cư sinh sống, lại được bao bọc bởi rừng thiêng nên nơi đây vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp hoang sơ, phảng phất chút ma mị.
Tới Sảo Há, du khách còn có cơ hội tham quan nhà cổ, miếu Sảo Há, được nghe câu chuyện cổ xưa liên quan đến Hang Phỉ khi đến thôn Khó Chơ,… Ngôi làng này hiện chưa khai thác dịch vụ du lịch, các tín đồ ưa xê dịch có thể lựa chọn cắm trại ở rừng trúc, hòa mình vào thiên nhiên. Mở rộng phạm vi du khách có thể ghé thăm một số điểm du lịch nổi tiếng ở Hà Giang như dốc Thẩm Mã, núi Đôi ở cổng trời Quản Bạ, đèo Mã Pí Lèng, sông Nho Quế, cột cờ Lũng Cú hay nhà của Pao,…
Bỏ túi kinh nghiệm từ du khách
Nhiều du khách từng đến Sảo Há nhận xét, ngôi làng mang nét đẹp lạ lùng và tĩnh mịch. Núi rộng, làng hẹp, hạn chế có điện, nước sinh hoạt và sóng điện thoại nên du khách chỉ ghé thăm trong ngày. Do hầu như chưa có công ty du lịch nào khai thác tour đến làng Sảo Há nên du khách muốn khám phá hầu như sẽ đi tự túc. Để có thể thoải mái check-in, ghi lại những hình ảnh thật đẹp về ngôi làng này, bạn nên sạc đầy pin điện thoại và máy ảnh từ trước.
Anh Phớn - Giám đốc một công ty du lịch ở Hà Giang chia sẻ về cách di chuyển đến làng Sảo Há. Từ huyện Yên Minh, anh đi qua con đèo dài gần 17 km với những khúc cua tay áo và dốc dài. Đến chân dốc Thẩm Mã, đi thêm khoảng 4 km để tới xã Vần Chải. Để đến được làng Sảo Há nằm sâu trong rừng, du khách có thể di chuyển bằng xe máy trên quãng đường dài khoảng hai km, với nhiều dốc cua nguy hiểm. Nếu đi bộ, du khách sẽ mất khoảng từ 30 phút đến một giờ tùy tốc độ đi.
"Đường vào Sảo Há là đường mòn, đất đá lởm chởm, nhiều đoạn dốc ngược, cần có tay lái vững", anh Phớn nói.
Ngoài ra du khách có thể di chuyển từ trung tâm thành phố Hà Giang, đi theo Quốc lộ 4C tới dốc Thẩm Mã, rẽ vào xã Vần Chải. Tiếp đó, du khách di chuyển tới khu vực Khó Chớ rồi hỏi tiếp đường lên làng Sảo Há.
Sảo Há đẹp nhất là vào mùa xuân khi những cây hoa đào nở rộ, xua đi vẻ lạnh lẽo, trầm mặc của ngôi làng. Từng là một nơi hẻo lánh không ai biết tới nhưng đến nay, mỗi ngày ngôi làng đón vài chục khách. Vào dịp lễ tết hay cuối tuần, lượng khách có thể đông hơn. Tới đây du khách cần lưu ý không xả rác bừa bãi, không nói chuyện quá ồn ào làm ảnh hưởng đến cảnh quan và cuộc sống của người dân.