Chuyên gia pháp lý cho rằng, theo thông tin ban đầu, có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với người đàn ông bạo hành vợ dã man.
Mới đây, chị Bùi Thị Tuyết Giao (SN 1987) đã phải trốn về nhà bố mẹ đẻ tại ấp Tân Hưng, xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, Kiên Giang, sau đó cầu cứu đến các cơ quan chức năng về việc bị chồng là anh Trần Văn Luân (SN 1986, xóm 3, thôn Quỳnh Khê, xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, Hải Dương) thường xuyên bạo hành.
Theo lời chị Giao, trong 3 năm chung sống, chị bị chồng thường xuyên đánh đập, bạo hành. Thậm chí khi mang thai đứa con thứ 2, do thiếu tiền, chồng chị yêu cầu gọi điện vay mượn người thân, họ hàng bên ngoại. Nếu không mượn được tiền sẽ đánh vợ.
“Anh ta nhét giẻ vào miệng, lột quần áo tôi, treo lên trần nhà rồi dùng dây nồi cơm điện, thắt lưng đánh vào lưng, tay; lấy cục sắt đập vào hai đầu gối. Có lần anh ta còn nướng cọng kẽm nóng rồi dí lên mặt tôi...", chị G. kể lại với báo chí và cho biết, chồng thường đánh tới khi thấy chị kiệt sức mới dừng tay.
Chị Bùi Thị Tuyết Giao với nhiều vết thương chằng chịt trên cơ thể.
Làm việc với cơ quan công an, Luân thừa nhận vợ chồng có xảy ra xô xát và có dùng dây thắt lưng đánh vợ. Tuy nhiên, người này phủ nhận việc dùng móc phơi quần áo hơ lửa dí vào da thịt vợ, hoặc dây điện để hành hung chị Giao.
Sự việc đang được điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, dư luận phẫn nộ khi chứng kiến hình ảnh thân thể chị Giao chi chít những vết thương cũ, mới nghi do người chồng gây ra. Đồng thời đặt câu hỏi nếu người chồng bạo hành vợ như lời kể trên, sẽ bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật?
Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo thông tin ban đầu vụ việc, có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với người đàn ông bạo hành vợ dã man.
Đây là sự việc bạo hành gia đình có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, việc giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi có dấu hiệu tội phạm tội Hành hạ người khác hoặc cố ý gây thương tích.
Nếu kết quả điều tra cho thấy, người đàn ông này đã có hành vi đối xử tàn ác với người lệ thuộc vào mình, có thể bị xử lý về tội Hành hạ người khác theo điều 140 Bộ luật Hình sự. Còn kết quả xác minh cho thấy, người đàn ông dùng vũ lực dẫn đến thương tích cho vợ và khi giám định có tỷ lệ thương tích thì có thể khởi tố về tội Cố ý gây thương tích.
Khi có lời khai của Luân về nguyên nhân dẫn đến sự việc. Đồng thời làm rõ những vết thương chằng chịt trên chị Bùi Thị Tuyết Giao là do người chồng bạo hành. Nếu kết quả giám định thương tích sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với người chồng này về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo quy định của pháp luật, một số tội danh xâm phạm sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác ở mức độ ít nghiêm trọng thì sẽ khởi tố theo yêu cầu của người bị hại.
Theo đó với tội hành hạ người khác, tội làm nhục người khác, tội cố ý gây thương tích ở mức độ ít nghiêm trọng đòi hỏi phải có đơn trình báo sự việc, đề nghị xử lý hình sự đối với người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan điều tra mới vào cuộc xem xét xử lý.
Đến nay nạn nhân đã có đơn trình báo, tố giác, đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc can thiệp, xác minh làm rõ nên có căn cứ để cơ quan điều tra tiến hành thụ lý tin báo, xác minh làm rõ để xử lý đối với người chồng theo quy định của pháp luật.
Với nội dung đơn trình bày và những hình ảnh của nạn nhân cho thấy sự việc là rất nghiêm trọng, với nhiều vết sẹo như vậy chứng tỏ nạn nhân đã phải chịu đựng những cơn đau đớn kéo dài. Cơ quan điều tra sẽ lấy lời khai của người chồng, lời khai của những người trong gia đình, để làm rõ những vết sẹo, những thương tích để lại trên cơ thể nạn nhân là do đâu mà có.
Đồng thời sẽ mời nạn nhân đến làm việc để các bác sĩ pháp y tiến hành thăm khám, điều trị, trưng cầu giám định thương tích, xác định hậu quả của hành vi để xử lý theo quy định pháp luật. Với nhiều thương tích như vậy, có lẽ tỷ lệ thương tích sẽ trên 11 %. Trường hợp thương tích dưới 11 % nhưng hành vi được xác định là có tính chất côn đồ vẫn đủ căn cứ để xử lý người đàn ông này về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 Bộ luật Hnh sự.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường.
Luật sư Cường cho rằng, sự việc hiện nay chỉ là thông tin ban đầu từ phía người bị hại. Để chứng minh tội phạm, cơ quan điều tra không chỉ chứng minh mặt chủ quan của tội phạm (như lỗi, động cơ, mục đích) mà còn phải nắm rõ mặt khách quan của tội phạm (bao gồm hành vi, hậu quả, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả) để xác định hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm. Khi đó mới có căn cứ để xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Với thông tin sự việc, rất có thể người đàn ông này có nhiều hành vi vi phạm pháp luật như hành hạ người khác, làm nhục người khác và cố ý gây thương tích. Về nguyên tắc là nếu hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của nhiều tội danh thì sẽ xử lý hình sự theo tội danh có mức hình phạt nghiêm khắc nhất. Nếu có nhiều hành vi vi phạm pháp luật, mỗi hành vi đều thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm sẽ xử lý hình sự về nhiều tội danh.
Với diễn biến sự việc như trên, cơ quan chức năng có trách nhiệm bảo vệ phụ nữ, trẻ em như Hội Liên hiệp Phụ nữ, chính quyền địa phương cần phải có các tư vấn cho người phụ nữ này, đề nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ hành vi của người chồng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cần đảm bảo an toàn cho nạn nhân:
Ngày 22/5, chị Bùi Thị Tuyết Giao sẽ từ ấp Tân Hưng, xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, Kiên Giang về Hải Dương để làm việc với cơ quan công an xung quanh nội dung tố chồng bạo hành.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, theo quy định của pháp luật, khi nhận được tin báo tố giác tội phạm hoặc các thông tin về tội phạm, cơ quan điều tra sẽ thụ lý tin báo, tiến hành xác minh trong thời hạn 20 ngày, nếu sự việc phức tạp thì có thể kéo dài tới 2 tháng. Quá trình xác minh, cơ quan điều tra sẽ mời người tố cáo, tố giác đến làm việc.
Hiện nạn nhân đang tạm lánh ở quê Kiên Giang (cách rất xa so với nơi sự việc diễn ra là huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) nên cơ quan điều tra sẽ mời nạn nhân đến để làm rõ sự việc. Thời gian làm việc với cơ quan điều tra có thể kéo dài vài tháng. Quá trình làm việc với cơ quan điều tra, cần phải đảm bảo an toàn cho nạn nhân, tránh việc nạn nhân tiếp tục bị đánh đập, hành hạ, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe, ảnh hưởng đến tính khách quan của sự việc.
Bởi vậy, trong quá trình xác minh tin báo cũng như quá trình điều tra vụ án này, cơ quan điều tra cũng sẽ tạo điều kiện và có những giải pháp để đảm bảo an toàn cho nạn nhân nhằm sớm giải quyết sự việc đồng thời có căn cứ để xử lý đối với người chồng theo quy định của pháp luật.
Mời độc giả xem video Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường nêu góc nhìn pháp lý vụ thai phụ Kiên Giang tố chồng ở Hải Dương bạo hành dã man.