Ngày 13/3/2023, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Công văn số 966/UBND-CNN&XD về việc tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2023.
Theo đó, để chủ động trong công tác hộ đê, phòng chống lụt, bão năm 2023, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra đối với những vùng được đê bảo vệ, UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố có đê và các đơn vị liên quan tổng kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều, phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn đê.
Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố có đê và các đơn vị liên quan chỉ đạo các nhà thầu tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình có liên quan đến đê điều xong trước mùa mưa, lũ và có phương án bảo đảm an toàn cho công trình khi có mưa, lũ xảy ra.
Người dân xã Minh Đức (thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) phản ánh, bờ sông Công đang bị xói mòn, sạt lở. |
Sở Tài chính tỉnh Thái Nguyên chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kịp thời tham mưu kinh phí để chủ động xử lý những sự cố phát sinh đột xuất trước, trong mùa mưa, lũ và tu bổ hạng mục cần thiết nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố xảy ra khi có mưa, lũ.
Đồng thời, UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu UBND các huyện, thành phố có đê chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho đê điều, đặc biệt là các vị trí trọng điểm, xung yếu; chuẩn bị sẵn sàng tổ chức phương án hộ đê, phương án ứng phó trong điều kiện có mưa, lũ lớn.
Bờ sông Công đang đứng trước nguy cơ tiếp tục bị sạt lở khi mùa lũ đang cận kề. |
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân sinh sống trên địa bàn xã Minh Đức (thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên), bờ sông Công đang bị xói mòn, sạt lở.
Ghi nhận thực trạng, bờ sông Công thuộc địa phận xã Minh Đức đang bị sạt lở, nhiều vị trí xói mòn sâu vào bờ. Người dân lo lắng, tình trạng sạt lở bờ sông Công sẽ ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác, sản xuất nông nghiệp.
“Vào mùa nước lên, nước tràn vào ruộng ngô, gây ngập úng, thiệt hại nông sản. Sau mỗi trận mưa lũ, từng khối đất bị sạt lở, xói mòn, cuốn trôi theo dòng nước, hiện trạng bờ sông càng trở nên thê thảm hơn. Đề nghị tỉnh Thái Nguyên quan tâm, bố trí xây dựng kè bờ sông Công để tránh nguy cơ sạt lở bờ sông, đảm bảo an toàn cho người dân”, người dân xã Minh Đức cho biết.
Vào mùa mưa lũ, nước sông Công dâng cao, nhấn chìm ruộng ngô, gây thiệt hại nông sản. |
Đáng báo động, bờ sông Công đang đứng trước nguy cơ tiếp tục bị sạt lở khi mùa lũ đang cận kề.
Người dân phản ánh, xóm Đầm Mương 13 là vùng trũng, “rốn lũ” của xã Minh Đức. Mỗi mùa nước lên, nước tràn vào nhà cửa, nhấn chìm ruộng vườn, người dân phải sơ tán, tất bật dắt theo trâu, bò, lợn, gà chạy lũ.
Ông Trần Văn Mười - Trưởng xóm Đầm Mương 13 cho hay, tình trạng sạt lở bờ sông Công đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của nhiều hộ dân sinh sống trên địa bàn.
Trao đổi với phóng viên Khoa học và Đời sống, ông Đào Đình Xuyên - Chủ tịch HĐND xã Minh Đức cho biết, người dân đã phản ánh nhiều lần về tình trạng sạt lở bờ sông Công gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, thiệt hại hoa màu.
“Thông tin này chúng tôi đã nắm cách đây khoảng hơn 1 năm. Người dân đã phản ánh nhiều lần, chúng tôi đã kiểm tra thực địa”, ông Xuyên thông tin.
Đồng thời, Chủ tịch HĐND xã Minh Đức cho biết, tại các cuộc họp hội đồng nhân dân, cử tri xã Minh Đức đã đề nghị tỉnh Thái Nguyên quan tâm, bố trí kinh phí xây dựng kè bờ sông Công để tránh nguy cơ sạt lở bờ sông.
Khoa học và Đời sống sẽ tiếp tục thông tin.