Hỏi: Tôi bị đau cứng tay, khó vận động, nhất là khi thực hiện gấp khuỷu, ngửa cẳng tay, cầm vật gì đó hoặc duỗi thẳng khuỷu. Tôi đi khám được chẩn đoán viêm mỏm trên lồi cầu. Xin cho biết, nguyên nhân bị bệnh là gì?
Nguyễn Thị Hằng (Hà Nội)
PGS.TS Trần Trung Dũng, Trưởng Phân môn Chấn thương - Chỉnh hình, Bộ môn Ngoại, Trường Đại học Y Hà Nội: Viêm mỏm trên lồi cầu ngoài thường gặp ở những người chơi tennis, thợ sơn tường, người thường sử dụng các công cụ cầm tay... Nguyên nhân là do việc sử dụng quá mức các cơ và gân vùng cẳng tay và khuỷu, các động tác lặp đi lặp lại dẫn đến tình trạng căng giãn quá mức của các cơ và gây nên tổn thương.
Trong những trường hợp chấn thương cấp tính, những tổn thương tại chỗ sẽ kích thích cơ thể đáp ứng bằng phản ứng viêm. Những tế bào viêm phản ứng sẽ kích thích để làm liền các tổn thương. Tuy nhiên, tổn thương không chỉ đơn thuần là phản ứng viêm mà còn liên quan đến các tế bào gân và xuất hiện cả tình trạng viêm gân và gây thoái hóa gân...
Biểu hiện của bệnh là đau và sưng nề vị trí mỏm trên lồi cầu ngoài. Đau có thể lan dọc xuống cẳng tay và xuống ngón giữa và ngón nhẫn của bàn tay. Các cơ cẳng tay có thể đau và căng hơn bình thường. Đau có thể nặng hơn khi thực hiện gấp khuỷu, ngửa cẳng tay, cầm vật gì đó hoặc duỗi thẳng khuỷu. Động tác cầm vật gì đó luôn gây nên đau buốt, đôi khi khuỷu như cứng lại và thực hiện duỗi khuỷu rất khó khăn.
Tốt nhất để bạn nên đi khám để chẩn đoán xác định được chính xác. Tùy mức độ tổn thương bác sĩ sẽ hướng dẫn cách tập phục hồi chức năng, dùng thuốc hay chỉ định phẫu thuật.